Sự bất hợp lý đã tồn tại quá lâu
Để giải trình với đông đảo cử tri cả nước về số lỗ của ngành Điện năm 2010 giữa tuần trước, Bộ trưởng Huệ bắt đầu bằng câu chuyện bù chéo trong các ngành sản xuất cơ bản ở Việt Nam. Giá than hiện bán cho ngành Điện chỉ bằng 57-63% giá xuất khẩu (không phải giá tiêu thụ như ông Huệ nói ở nghị trường - NV).
Hai ngành sản xuất tiêu tốn điện năng là sản xuất thép và xi măng còn được bao cấp nhiều hơn. Ông Huệ dẫn lại kết quả kiểm toán năm 2010, ngành Thép và Xi măng tiêu thụ hơn 11% tổng lượng điện thương phẩm (982 triệu kWh), nhưng giá điện phải trả chỉ có 914 đồng/kWh, trong khi giá thành sản xuất điện năm 2010 là 1.180 đồng/kWh (theo công bố của Bộ Công Thương). Ngành Điện đã bao cấp chéo cho sản xuất thép, xi măng lên đến 2.547 tỉ đồng, trong đó các liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất thép đã được “bao cấp” hơn 506 tỉ đồng.
Ngành điện đã bao cấp chéo cho sản xuất thép, xi măng lên đến 2.547 tỉ đồng, trong đó các liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất thép đã được “bao cấp” hơn 506 tỉ đồng. |
Chính vì giá điện chưa được tính đủ nên liên tục trong những năm gần đây các nhà đầu tư nước ngoài đã tận dụng cơ hội này để đầu tư sản xuất thép và Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất thép giá rẻ để xuất khẩu. “Chúng ta phải khắc phục tình trạng này trong quá trình điều hành về giá”, người đứng đầu Bộ Tài chính mong muốn.
Ngay sau khi nghe ý kiến của Bộ trưởng Huệ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Quang đã phản ứng ngay tại nghị trường: “Vậy có nên khuyến khích xuất khẩu [thép và xi măng] khi mà giá thành của sản phẩm chưa phản ánh thực chất và đầy đủ chi phí đầu vào?”.
Trao đổi thêm với TBKTSG, ông Quang nói rằng, việc doanh nghiệp sản xuất xi măng, thép được lợi nhờ giá điện, giá than rẻ thì đã rõ. Kinh nghiệm nhiều năm làm lãnh đạo ở Tổng công ty Xi măng Việt Nam cho ông thấy Việt Nam hiện mua điện của Trung Quốc với giá khoảng 1.400 đồng/kWh, nhưng bán cho các ngành sản xuất như xi măng bình quân chưa đầy 1.000 đồng. Than bán cho ngành sản xuất xi măng hiện chỉ khoảng 1,7 triệu đồng/tấn, nhưng giá than xuất khẩu là gần 3 triệu đồng/tấn dẫn đến chuyện xuất lậu than không ngừng tại vùng biên giới. Trong khi về nguyên tắc điều hành chỉ tạm thời chấp nhận mua điện giá cao, bán dưới giá thành hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Quang nói: “Khi còn làm ở Tổng công ty Xi măng, tôi đã từng nhiều lần đề nghị hạn chế xuất khẩu xi măng và clinker vì giá xuất khẩu thấp hơn giá trong nước. Doanh nghiệp có lợi nhưng Nhà nước cũng không được gì và các đối tượng mà Nhà nước cần trợ cấp, đảm bảo an sinh xã hội càng không được lợi gì”. Vì vậy, ông Quang đề xuất từng bước phải tính đúng, tính đủ chi phí đầu vào của hai ngành Thép và Xi măng để không làm méo mó các ngành sản xuất liên quan khác.
Cách đây năm tháng, Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng thuế xuất khẩu thép lên 3% do các doanh nghiệp trong lĩnh vực này được hưởng lợi từ chi phí điện, than giá rẻ. Tuy nhiên, Hiệp hội Thép đã chấp nhận tăng giá điện theo giá thị trường hơn là tăng thuế xuất khẩu. Hiệp hội cho rằng việc tăng giá điện cũng là một cơ hội để loại bỏ các nhà sản xuất có công nghệ lạc hậu, kém đồng thời kích thích quá trình tiết kiệm năng lượng.
Từ tâm lý bao cấp đến rào cản quyền lợi
Quay trở lại vấn đề của Bộ Tài chính, tại sao cơ quan này không điều chỉnh tăng giá điện, giá than bán cho ngành Thép và Xi măng? Bộ trưởng Vương Đình Huệ trả lời báo giới: “Kịch bản tính giá điện cho từng hộ kinh doanh phải được cân nhắc trên nhiều yếu tố, từ quy định điện sản xuất thấp hơn điện sinh hoạt ra sao, giờ sản xuất cao điểm thế nào, thấp điểm ra sao. Tuy nhiên phải làm từng bước và cân nhắc lợi ích tổng thể, không đơn giản”. Như vậy, có thể hiểu việc đưa giá bán điện cho hai ngành Thép và Xi măng về cơ chế thị trường còn chưa tới hồi kết.
Thực ra hai ngành Thép và Xi măng từ nhiều năm nay đã vận hành theo cơ chế thị trường, Nhà nước không độc quyền. Việc đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân và FDI khiến cho tính cạnh tranh trên thị trường ngày càng trở nên khốc liệt. Cùng với đó, việc bao cấp đồng loạt về giá điện, giá than lại đang làm méo mó thị trường, khiến cho doanh nghiệp có công nghệ sản xuất tiên tiến cũng bị đánh đồng với doanh nghiệp có công nghệ thấp, lạc hậu và việc so sánh sức cạnh tranh thông qua chi phí đầu vào càng khó hơn. Mặt khác, khi Bộ Tài chính đã công bố chính thức kết quả kiểm toán việc bù lỗ đầu vào cho ngành Thép, Xi măng thì việc tăng giá điện, than bán cho ngành Thép, Xi măng là một đòi hỏi hợp lý.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét về sự tính toán của Bộ Tài chính đối với giá điện, giá than bán cho ngành Thép và Xi măng xuất phát từ tâm lý bao cấp trong đường hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hàng chục năm nay. Với mục tiêu ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp nặng làm mũi nhọn, một số ngành như Thép và Xi măng vốn được coi là “bánh mì” cho nền kinh tế nên được tạo nhiều điều kiện ưu ái để phát triển. “Nên khi đụng đến quyền lợi của những ngành này thì sẽ gặp nhiều rào cản”, bà Lan nói. Cũng xuất phát từ tâm lý ưu tiên phát triển bằng mọi giá từ hàng chục năm nay nên khi có nhiều ngành cạnh tranh không nổi, người ta không xác định được nên chuyển hóa ưu tiên thế nào.
Nếu ngành Thép, Xi măng không sử dụng hiệu quả nguồn lực từ điện, than, từ hàng loạt các ưu đãi về đất đai, chính sách... thì không có lý gì mà không tính lại giá điện, giá than dành cho họ.