Giá điện đang bao cấp cho người giàu

Giá điện và thu xếp vốn vẫn là những vấn đề nóng được nhắc tới bên cạnh yêu cầu đảm bảo mức tăng trưởng 11,5% của ngành Điện.

Giá điện bao cấp cho người giàu

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, giá điện của Việt Nam hiện nay là khoảng 7,38 UScent/kWh, thấp hơn khu vực và các nước công nghiệp phát triển G7. Bên cạnh việc Nhà nước đang bỏ ra nhiều ngàn tỷ đồng để bảo đảm tối thiểu an sinh xã hội, giúp người nghèo được hưởng giá điện ưu đãi, vẫn còn tình trạng khu vực doanh nghiệp, khu vực thu nhập cao cũng đang được bao cấp tràn lan.

Ông Tuấn cũng cho rằng, giá năng lượng của Việt Nam rẻ, nhất là so với các nước phát triển đang ở mức 18 - 22 UScent/kWh. Cơ chế giá này đang đi ngược mục tiêu sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia và cũng khiến chưa thực hiện được mục tiêu hình thành được thị trường điện cạnh tranh, bỏ bao cấp trong giá điện đặt ra cho năm 2015.

Cũng chia sẻ câu chuyện giá điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, ngành Điện thời gian qua làm tương đối tốt vấn đề công khai minh bạch giá điện. Tuy nhiên, hiện cả người dân, các cấp, ngành, thậm chí đại biểu Quốc hội còn băn khoăn đặt câu hỏi “tại sao giá điện lại như vậy?”.

Dẫu vậy, cũng cần phải nói thêm một thực tế là kể từ tháng 3/2015, tức là hơn 2 năm nay, giá bán lẻ điện bình quân được các cơ quan quản lý nhà nước quyết định vẫn đứng im, không thay đổi.

Theo ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc EVN, năm 2017, việc tăng giá bán than trong nước cho sản xuất điện và cập nhật thông số đầu vào (giá than nhập khẩu, giá dầu, khí, tỷ giá…) so với kế hoạch đầu năm đã khiến tổng chi phí sản xuất kinh doanh của EVN tăng thêm 7.230 tỷ đồng. Nhờ tiết kiệm một số chi phí, EVN đã giảm được 2.990 tỷ đồng, song tổng cộng, con số vẫn "đội' lên hơn 4.200 tỷ đồng trong năm nay.

Từ góc độ chuyên gia kinh tế, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, hiện nay giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng chưa thực sự phản ánh đúng bản chất giá cả thị trường, dẫn đến quan hệ cung - cầu méo mó. Giá bán điện thấp trong khi chi phí sản xuất điện cao, được ông Thiên cho là nguyên nhân khiến ngành năng lượng rất khó cạnh tranh.

“Điều này cũng lý giải vì sao, các doanh nghiệp trong và ngoài nước chưa “mặn mà” đầu tư vào ngành năng lượng. Như vậy, áp lực càng lớn với nguồn cung năng lượng khi nhu cầu sử dụng vẫn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới”, ông Thiên nói.

Thực tế này cũng được Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhìn nhận là khó khăn để tìm vốn. “Giá bán điện bình quân 7,3 UScent/kWh rất khó để nhà đầu tư rót vốn, nhất là vào các công trình cung cấp năng lượng sạch. Với giá điện gió thế giới hiện khoảng 9,35 UScent/kWh, ngành Điện sẽ phải bù lỗ 2 UScent/kWh”, ông Tuấn nói và cho rằng, phải có cơ chế chính sách phù hợp để ngay trong năm 2017 này xử lý được hậu quả tài chính 10 năm trước.

Lo vốn lớn lẫn hiệu quả

Theo kế hoạch, cả năm 2017, sản lượng điện ước đạt 196,8 tỷ kWh, tăng 11,1% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) nhóm ngành sản xuất và phân phối điện sẽ đạt 11,5%. Xét về quy mô, hệ thống điện của Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong các nước ASEAN và thứ 30 của thế giới.

Theo ông Đặng Hoàng An, EVN sẽ bảo đảm khối lượng đầu tư cả năm 2017 là 137.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng cuối năm tiếp tục đưa vào vận hành 5 tổ máy, hoàn thành 238 công trình lưới điện từ 110 - 500kV và khởi công 244 công trình.

Song theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, EVN cũng giữ vị trí quán quân về nợ vay và phần lớn được Chính phủ bảo lãnh.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho hay, mức bảo lãnh nợ vay của Chính phủ đối với EVN hiện là 9,7 tỉ USD. “EVN cần tăng hiệu quả sử dụng vốn, đa dạng hóa ngoại tệ đi vay để giảm rủi ro tỷ giá và cần báo cáo về giải pháp tái cơ cấu, giảm chi phí trực tiếp, gián tiếp, tăng hiệu quả đầu tư”, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục nhấn mạnh.

Về cơ bản, hiện EVN đã thoái vốn xong khỏi các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và không có đầu tư ngoài ngành (ngoài 15% cổ phần trong Công ty cổ phần Tài chính Điện lực nhưng cũng đang làm thủ tục thoái vốn toàn bộ). Thời gian tới, trọng tâm của EVN là cổ phần hóa các Tổng công ty phát điện (Genco) để tìm thêm vốn cho đầu tư.

Trước đó, vào tháng 8/2014, Bộ Công thương đã phê duyệt chủ trương cổ phần hóa Genco 3. Thời điểm chốt giá trị doanh nghiệp là ngày 1/1/2015. Mục tiêu đặt ra ban đầu là tiến hành cổ phần và đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Genco 3 vào tháng 3/2016, sau đó thực hiện Đại hội cổ đông lần đầu vào tháng 5/2016.

Tuy nhiên, với quy mô vốn lớn, các Tổng công ty phát điện được cho là không dễ bán cổ phần, nhất là khi giá điện chưa vận hành theo cơ chế thị trường và vẫn bất động hơn 2 năm qua.

Thực trạng này cũng khiến cho thu xếp vốn trở thành thách thức không nhỏ cho cả EVN lẫn ngành điện nói chung.  Mỗi năm, nhu cầu vốn đầu tư của EVN cần từ 5 - 6 tỷ USD, và trên quy mô toàn ngành cần khoảng 7 - 8 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam có thể chỉ còn kéo tới năm 2019, sau đó sẽ phải chuyển sang vay vốn thương mại, nên câu chuyện thu xếp vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư của EVN chắc chắn sẽ gặp những thách thức mới khi giá điện chưa theo cơ chế thị trường lẫn thị trường điện cạnh tranh chưa đến giai đoạn hoàn hảo theo lộ trình đặt ra.

Chiến lược tài chính mới của EVN cũng tiến tới mục tiêu, một số dự án lớn sắp được đầu tư sẽ thực hiện vay không có bảo lãnh Chính phủ. Như vậy, EVN sẽ thành lập công ty mới để xây dựng - vận hành dự án và công ty này sẽ ký hợp đồng vay với các chuẩn mực mới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này cũng không dễ dàng, khi thị trường điện chưa vận hành theo đúng bản chất của thị trường.


  • 06/07/2017 01:49
  • Theo Báo Đầu tư
  • 10589