Giá điện riêng cho ngành Thép, Xi măng: Hướng tới cơ cấu sử dụng điện hợp lý hơn

Một trong những vấn đề gây nhiều tranh luận tại Dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) soạn thảo là dự kiến quy định mức giá điện riêng cho ngành Thép và Xi măng cao hơn các ngành kinh tế khác. Để rộng đường dư luận, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang đã trả lời phỏng vấn về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, nhiều ý kiến cho rằng, với Dự thảo Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, ngành Thép và Xi măng sẽ bị áp một mức giá điện cao hơn các ngành kinh tế khác, điều đó là không đảm bảo sự bình đẳng giữa các DN, Thứ  trưởng bình luận gì về vấn đề này?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang - Ảnh PV

Thứ trưởng Lê Dương Quang: Thép và Xi măng là 2 ngành chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng lượng tiêu thụ điện thương phẩm cả nước (khoảng 10,5%) và đang làm gia tăng sự mất cân đối trong cơ cấu sử dụng điện của cả nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc đầu tư quá lớn vào 2 ngành này (dẫn đến cung vượt cầu, lãng phí vốn đầu tư của xã hội) những năm vừa qua có một phần nguyên nhân là do giá điện còn thấp; thậm chí có ý kiến còn cho rằng giá điện thấp đã dẫn đến một số trường hợp sản phẩm thép xuất khẩu của ta bị nước ngoài áp dụng các biện pháp chống bán phá giá.

Sau khi xem xét, đánh giá hiệu quả sử dụng điện của ngành Thép và Xi măng, Bộ Công Thương đã nhận thấy, trừ một số ít nhà máy mới đầu tư và có mô hình quản lý tốt, còn lại phần lớn các cơ sở sản xuất sắt thép và xi măng hiện đang hoạt động có suất tiêu thụ điện năng còn cao (gấp 1,2-1,5 lần so với mức trung bình của khu vực).

Một số nhà máy (cả trong ngành Thép và Xi măng) xét về mặt công nghệ/thiết bị hoàn toàn không thua kém các nhà máy hiện đại nhất ở nước ngoài, song tiêu thụ điện năng (và cả các nguyên vật liệu khác) cho 1 đơn vị sản phẩm vẫn cao hơn khá nhiều. Đó là điều buộc chúng ta phải suy nghĩ. Trong khi giá điện chưa hoàn toàn được thị trường hóa thì việc quy định mức giá bán điện cho các ngành này cao hơn so với mức trung bình của các ngành sản xuất khác, về nguyên tắc sẽ buộc các nhà sản xuất phải áp dụng mọi biện pháp (cả về quản lý lẫn kỹ thuật - công nghệ) để tiết kiệm điện. Ngoài ra, việc áp mức giá bán điện khác nhau cho các nhóm đối tượng sử dụng khác nhau cũng là cách làm phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay Bộ Công Thương vẫn đang trong quá trình tiếp nhận, nghiên cứu mọi ý kiến phản hồi về đề xuất trên và sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá đầy đủ, toàn diện tác động đến hai ngành này trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Phóng viên: Hiệp hội Xi măng khẳng định, tính đến cuối năm 2013 chỉ còn khoảng 13 dây chuyền lò đứng là công nghệ lạc hậu, đến năm 2015 sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Hiệp hội Thép cũng cho biết, lượng tiêu thụ điện của thép là 450 kWh/tấn sản phẩm, đạt mức tiêu hao năng lượng tiên tiến của các nước Đông Nam Á. Hầu hết các doanh nghiệp đều đã chuyển sang hoạt động vào giờ thấp điểm, nhưng họ vẫn có nguy cơ bị áp giá giá điện cao hơn. Chi phí đầu vào tăng sẽ hạn chế khả năng cạnh tranh của sản xuất thép trong nước. Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Lê Dương Quang: Thứ nhất, công nghệ tiên tiến là yếu tố hết sức quan trọng, song yếu tố quyết định lại là khả năng làm chủ, khai thác, sử dụng công nghệ đó ra sao? Chúng ta đều biết rõ là cùng một công nghệ sản xuất, nhưng với các nhà cung cấp thiết bị khác nhau sẽ có những thiết bị mà năng suất, chất lượng sản phẩm, độ tin cậy vận hành, suất tiêu hao điện năng... khác hẳn nhau.

Việc áp dụng mức giá riêng cho  ngành thép, xi măng sẽ buộc các DN phải áp dụng triệt để mọi biện pháp để tiết kiệm điện, qua đó giảm áp lực về cung cấp điện, hướng tới một cơ cấu sử dụng điện hợp lý hơn. (Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang)

Thứ hai, bên cạnh lý do công nghệ, thiết bị lạc hậu, trong lĩnh vực quản lý còn khá nhiều tiềm năng chưa được chú trọng khai thác, trong đó có tiềm năng về tiết kiệm năng lượng. Cùng một công nghệ, cùng một nguồn gốc thiết bị, cùng một gam công suất, nhưng vẫn có nhà máy này hoạt động hiệu quả hơn nhà máy khác.

Đối với các nhà máy đã đầu tư thì việc tranh luận về công nghệ lạc hậu hay tiên tiến cũng không giải quyết được vấn đề gì nhiều. Quan trọng là với những cái đã có trong tay thì cần phải tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo ra sao, tổ chức sản xuất lại như thế nào, áp dụng giải pháp gì v.v... để có thể nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí đầu vào (trong đó có năng lượng). Tôi xin đơn cử 1 ví dụ nhỏ: Việc lắp thêm một bộ biến tần cho các thiết bị công suất điện lớn là một việc không quá phức tạp, không đòi hỏi đầu tư lớn, nhưng lại cho hiệu quả cao trong việc tiết kiệm điện, vậy mà không mấy cơ sở sản xuất quan tâm.

Riêng vấn đề thép nội khó cạnh tranh với thép ngoại thì có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính là gian lận thương mại. Chính Hiệp hội Thép đã nói rằng doanh nghiệp thép Việt Nam không sợ cạnh tranh bình đẳng mà chỉ sợ gian lận thương mại. Việc này Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ ngành để xử lý.

Phóng viên: Theo Dự thảo Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thì việc áp dụng sẽ thực hiện từ 1/7/2013. Tại sao đợt tăng giá điện 1/8/2013 vừa qua lại không nói mức tăng với 2 ngành này, thưa Thứ trưởng.

Thứ trưởng Lê Dương Quang: Mức giá bán lẻ điện quy định cho từng nhóm khách hàng được xác định căn cứ vào cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định và mức giá bán lẻ điện bình quân do EVN hoặc cấp có thẩm quyền quy định (tùy thuộc vào mức độ điều chỉnh giá).

Hiện tại Bộ Công Thương đang hoàn chỉnh Dự thảo Quyết định cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm thay thế Quyết định số 268/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ (đang được áp dụng). Thời gian thực hiện cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện mới sẽ phụ thuộc vào thời điểm ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Giá bán lẻ điện thi hành từ ngày 01/8/2013 vẫn dựa trên cơ sở cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện hiện hành (theo Quyết định số 268/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2011), do đó không quy định mức riêng cho 2 ngành Xi măng và Thép.

Việc áp dụng mức giá riêng cho ngành sản xuất thép và xi măng hạn chế tình trạng đầu tư tràn lan gây lãng phí nguồn lực của đất nước - Ảnh CTV

Phóng viên: Theo Thứ trưởng, việc áp giá điện riêng cho 2 ngành Thép, Xi măng sẽ mang lại những lợi ích gì về kinh tế, xã hội?

Thứ trưởng Lê Dương Quang: Thực tế cho thấy bất kể một chính sách nào được ban hành cũng không thể nào thỏa mãn được mọi đối tượng mà nó điều chỉnh do mục tiêu, lợi ích của các nhóm đối tượng khác nhau, nhiều khi đối lập nhau. Đối với ngành thép và xi măng, Bộ Công Thương vẫn đang xem xét, đánh giá tác động của việc quy định mức giá riêng chứ chưa đi đến quyết định cuối cùng. Mong muốn của các cơ quan quản lý là khi một chính sách mới được ban hành nó phải đi vào cuộc sống, có tính khả thi cao, phải hướng tới lợi ích tổng thể, lợi ích của số đông và được số đông các đối tượng mà nó điều chỉnh chấp nhận.

Tuy nhiên, như những phân tích đã được trình bày ở trên, có thể thấy việc áp dụng mức giá riêng cho 2 ngành này trước hết sẽ buộc các cơ sở sản xuất  phải áp dụng triệt để mọi biện pháp để tiết kiệm điện năng, qua đó giảm áp lực về cung cấp điện (trong khi chưa thiết lập được một thị trường điện hoàn chỉnh), hướng tới một cơ cấu sử dụng điện hợp lý hơn và có điều kiện phục vụ tốt hơn những đối tượng khác trong xã hội. Ngoài ra, việc áp dụng giá điện riêng cũng sẽ góp phần đưa việc quản lý các quy hoạch thép và xi măng đi vào nề nếp, hạn chế tình trạng đầu tư tràn lan gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

 


  • 09/08/2013 03:05
  • Ngọc Loan (thực hiện)
  • 3050