Giá năng lượng năm 2023 có tiếp tục tăng?

Giá năng lượng thế giới năm 2023 được dự báo vẫn sẽ ở mức cao. Trong bối cảnh đó, Chính phủ các nước cần thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023.

Giá năng lượng tiếp tục biến động

Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu trong năm 2022 khiến phần lớn các khu vực trên thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong khi giá dầu, khí đốt và điện tăng mạnh. Cuộc khủng hoảng này vẫn còn nhiều điều khó lường và được dự đoán sẽ chưa thể kết thúc trong năm 2023. Ông Fatih Birol - Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết: Dự báo tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ  tăng 1,3% trong năm 2023, nhỉnh hơn một chút so với ước tính tăng trưởng 0,9% của năm 2022. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của phương Tây với dầu, khí đốt của Nga sẽ khiến giá tăng cao hơn. Việc châu Âu tìm cách thay thế khí đốt của Nga đã khiến giá khí thiên nhiên hóa lỏng của Mỹ, Australia và Qatar tăng vọt. 

Còn theo Báo cáo triển vọng năng lượng năm 2023, Công ty Phân tích năng lượng và hàng hoá S&P Global Commodity Insights (Mỹ) nhận định, mặc dù giá khí đốt tự nhiên, than đá và dầu thô dự kiến sẽ giảm, song thị trường năng lượng và khí đốt ở châu Âu có thể bị thắt chặt hơn vào năm 2023. Giá khí đốt tự nhiên dự kiến vẫn ở mức tương đối cao so với trung bình nhiều năm, nhiều khả năng các Chính phủ sẽ đặt trọng tâm vào cải cách cơ cấu thị trường điện của châu Âu để làm giảm ảnh hưởng giá khí đốt tới giá điện trong năm 2023. Những năm tới, nguồn cung năng lượng toàn cầu còn bấp bênh hơn, tình trạng thiếu hụt nhiên liệu ngắn hạn sẽ thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, chi phí năng lượng cao có thể khiến các nước châu Âu phải thu hẹp sản xuất, đóng cửa nhà máy hoặc chuyển đổi mô hình sản xuất trong một số lĩnh vực.

Về cơ bản, 2023 sẽ không phải là một năm dễ dàng với thị trường năng lượng toàn cầu, khi sự biến động ngày càng tăng. Ngoài ra, tình trạng bất ổn trên thị trường năng lượng sẽ còn kéo dài do nhiều yếu tố như xung đột địa chính trị, sự nóng lên toàn cầu và biến động tỷ giá hối đoái. 

Nỗ lực ứng phó từ các quốc gia

Để giảm bớt các tác động tiêu cực từ khủng hoảng năng lượng, chính phủ các nước đã can thiệp thông qua các biện pháp hỗ trợ trực tiếp hoặc hạn chế giá tiêu dùng. EU đã đưa ra kế hoạch loại bỏ phụ thuộc năng lượng vào Nga bằng cách nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Mỹ ban hành đạo luật giảm lạm phát có trị giá 430 tỷ USD, trong đó có các sáng kiến để phát triển hiệu quả năng lượng, thúc đẩy năng lượng tái tạo. Australia đã công bố 4 biện pháp để ứng phó tác động của tăng giá do áp lực năng lượng đối với các gia đình, doanh nghiệp nhỏ và nhà sản xuất. 

Bên cạnh đó, để thoát khỏi phụ thuộc năng lượng của Nga, châu Âu đã và đang tiếp cận các nhà cung cấp khí đốt lớn từ Mỹ, Na Uy, Algeria, các nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng từ Trung Đông, châu Phi, đồng thời nỗ lực chuyển đổi năng lượng tái tạo bằng việc ký kết thỏa thuận với các nước Nam Kavkaz, thông qua kế hoạch hỗ trợ năng lượng tái tạo trị giá 28 tỷ Euro, hay mới nhất là thỏa thuận hợp tác giữa Đức và Na Uy. Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere nhấn mạnh: "Về lâu dài, chúng ta phải giải quyết các nhu cầu năng lượng lớn hơn. Chúng tôi nhận ra rằng cuộc khủng hoảng này thực sự thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo, ít phát thải và không phát thải tại châu Âu".

Các liên minh năng lượng toàn cầu thay đổi khiến châu Âu phải tìm đến các giải pháp năng lượng thay thế như năng lượng xanh hay chuyển giao các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như thép, phân bón sang các quốc gia khác. Các nước Đông Á sẽ giảm sự phụ thuộc vào khí tự nhiên hóa lỏng, vốn đắt đỏ, và chuyển sang sử dụng than rẻ hơn. Còn Mỹ dự kiến phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và nhiên liệu hóa thạch trong nước để tự bảo vệ khỏi khủng hoảng và biến động giá cả…

Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu là động lực để các nước triển khai nhiều dự án năng lượng tái tạo, với công suất năng lượng tái tạo trên toàn thế giới dự kiến tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2022-2027. Nguồn năng lượng từ gió và mặt trời được dự đoán sẽ chiếm 90% công suất năng lượng tái tạo trong 5 năm tới.

Mặc dù giá nhiên liệu tăng cao có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nhưng một số chuyên gia lo ngại, cuộc khủng hoảng hiện nay lại có thể khiến một số quốc gia phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống nhiều hơn. Tờ The Economist nhận định, năm 2023, hầu hết các quốc gia sẽ phải phát triển cả năng lượng hóa thạch và năng lượng mới để giải quyết “cú sốc năng lượng”. Trong ngắn hạn, các nước sẽ chấp nhận đầu tư vào khai thác nhiên liệu truyền thống để đảm bảo sự ổn định năng lượng. Về lâu dài, các quốc gia sẽ áp dụng chính sách công nghiệp do nhà nước dẫn dắt nhằm nỗ lực đẩy nhanh quá trình xây dựng các dự án năng lượng tái tạo. 


  • 28/04/2023 03:34
  • Theo Tạp chí Điện lực quý I/2023
  • 5501