Quá tải vì phát triển thiếu quy hoạch
Vụ nuôi tôm năm 2014, toàn tỉnh Trà Vinh có hơn 32 nghìn hộ thả nuôi gần 2,6 tỷ con tôm giống trên diện tích 34,6 nghìn ha. Vì tôm thẻ chân trắng có mật độ thả nuôi rất cao từ 50 - 150 con/m3 (trong khi tôm sú nuôi theo hình thức thâm canh chỉ khoảng 20 con/m3) nên để tạo đủ lượng ôxy trong nước đòi hỏi người nuôi phải bố trí các dàn quạt tạo ô-xy nhiều gấp 2 đến 3 lần so với nuôi tôm sú. Lượng điện dành cho nuôi tôm tăng đột biến đã khiến hàng trăm trạm biến áp ở vùng nuôi tôm rơi vào tình trạng quá tải, dẫn đến mất điện cục bộ.
Được biết, khu vực nông thôn Trà Vinh được ngành Điện đầu tư cấp điện từ các dự án điện khí hóa nông thôn, Dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer, nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng quốc tế như WB, AFD, ADB. Tiêu chí chủ yếu của những dự án cấp điện nông thôn này là đảm bảo điện phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt khu vực nông thôn. Do đó các dự án đều sử dụng trạm biến áp có công suất nhỏ 1 pha 15 - 37,5 kVA; dây dẫn có tiết diện nhỏ chủ yếu sử dụng dây dẫn AV35-AV50, bán kính cung cấp điện lớn (800 - 1.200m), nên khi nhu cầu sinh hoạt và nhất là sản xuất phát triển thì lưới điện bị quá tải, chất lượng điện áp không đảm bảo, tổn thất điện năng tăng cao.
Ông Dương Văn Kẻn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cho rằng: Nhu cầu điện để phục vụ nuôi thủy sản của người dân là chính đáng. Tuy nhiên, việc phát triển diện tích nuôi tôm không tuân thủ quy hoạch phát triển lưới điện đã dẫn đến tình trạng quá tải các trạm biến áp.
Nuôi tôm phát triển kinh tế là nhu cầu thiết thực của người dân - Ảnh CTV
|
Một số giải pháp cấp điện phục vụ nuôi tôm
Để giải quyết nhu cầu của các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, tháng 4/2014, Công ty Điện lực Trà Vinh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan lập phương án nâng công suất trạm biến áp bị quá tải, đầy tải để đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục cho các hộ sử dụng.
Tính đến đầu tháng 5/2014, Công ty đã nâng công suất 215 trạm/7.290,5 kVA đồng thời tính toán vận hành máy biến áp ở chế độ tối đa trong giới hạn cho phép. Theo dõi và thông báo tới địa phương danh sách các hộ sử dụng vượt công suất, để vận động một số hộ có khả năng chạy thêm máy phát, hoặc khách hàng tự đầu tư trạm chuyên dùng để sử dụng.
Trong năm 2014, Công ty đã thành lập tổ công tác để khảo sát lập hồ sơ công trình sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới lưới điện nhằm xử lý quá tải các khu vực nuôi trồng thủy sản. Trên cơ sở khảo sát này, công ty xin chủ trương nguồn vốn đầu tư xây dựng năm 2015. Đồng thời, để giải quyết tình trạng quá tải trước mắt, công ty triển khai đầu tư các công trình điện cấp bách từ nguồn vốn 12 tỷ đồng bổ sung trong năm 2014 (theo nội dung làm việc ngày 08/10/2013 giữa UBND tỉnh Trà Vinh và Tổng Công ty Điện lực miền Nam), chủ yếu là cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Duyên Hải.
Về giải pháp lâu dài, UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các cơ quan liên ngành, địa phương căn cứ vào Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để triển khai quy hoạch chi tiết các khu vực và dự án đã được quy hoạch, trong đó bao gồm hạng mục cấp điện; bổ sung quy hoạch lưới điện trên cơ sở quy hoạch phát triển thủy sản, để làm cơ sở đầu tư lưới điện. Qua đó, tạo điều kiện để ngành Điện có thể phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cấp điện nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh mới đây đã chủ trì hội nghị với 04 huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân nuôi tôm, nhất là về tình trạng thiếu điện phục vụ cho vụ nuôi tôm 2014. |