Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ (đặt tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) được khởi công xây dựng từ những năm cuối của thập kỷ 90 để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung nhằm phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ngày 04/10/2005, Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Phú Mỹ (gọi tắt là Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ).
Ngày 01/06/2012, Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ được Bộ trưởng Bộ Công Thương ký quyết định chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO 3). GENCO 3 được thành lập trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ, các công ty phát điện hạch toán phụ thuộc, các Ban quản lý dự án nguồn điện và tiếp nhận quyền chủ sở hữu vốn nhà nước tại một số công ty phát điện trực thuộc EVN. Hiện nay, Tổng công ty có 15 đơn vị thành viên, công ty liên kết và trực tiếp quản lý Nhà máy điện Phú Mỹ.
Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ - Ảnh: EVNEIC
|
Trải qua 17 năm hình thành và phát triển, Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ đã không ngừng lớn mạnh. Từ một nhà máy quản lý vận hành sản xuất điện 2 tổ máy có tổng công suất 288 MW vào năm 1997, đến nay, các nhà máy điện Phú Mỹ (gồm Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 4) đang quản lý vận hành 13 tổ máy phát điện với tổng công suất là 2.540 MW, chiếm khoảng 8,0% tổng công suất của hệ thống điện Việt Nam. Mỗi năm các nhà máy điện thuộc cụm Nhiệt điện Phú Mỹ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 16 tỷ kWh, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vào những ngày cao điểm mùa khô năm 2014, mỗi ngày Nhiệt điện Phú Mỹ sản xuất từ 45 - 57 triệu kWh, chiếm khoảng 10 - 13% tổng sản lượng điện toàn hệ thống, đóng góp nguồn năng lượng đáng kể cho hệ thống điện quốc gia.
Cách đây 6 năm, vào lúc 14 giờ 40 phút ngày 25/8/2008, cụm Nhiệt điện Phú Mỹ cũng đã ghi mốc son đáng nhớ trong lịch sử xây dựng và phát triển khi phát lên lưới điện quốc gia 100 tỷ kWh điện.