Theo Công ty Điện lực Tuyên Quang, 15 năm qua (1998 - 2013), tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình này trên địa bàn tỉnh là hơn 1.250 tỷ đồng.
Năm 1998, toàn tỉnh Tuyên Quang mói có 77/145 xã có điện lưới, đạt 53,1%; số thôn có điện 730/2.093 thôn, đạt 34,88%; số hộ sử dụng điện lưới là 62.335/144.478, đạt 43,14%. Đến hết năm 2013, tất cả 141 xã, phường trong tỉnh đều có điện, trong đó có 129 xã nông thôn; số thôn có điện lưới quốc gia là 2.031/2.095 thôn đạt 96,94%; số hộ sử dụng điện lưới quốc gia là 186.367/194.274 đạt 95,23%, trong đó số hộ nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia là 157.720/165.627 đạt 95,23%.
Người dân thôn Pác Củng, xã Thượng Nông (Nà Hang) được sử dụng điện lưới quốc gia từ năm 2011
|
Trước năm 2010, hệ thống lưới điện nông thôn ở các xã trên địa bàn tỉnh do các ban quản lý điện của cấp xã kinh doanh và trực tiếp bán điện cho nhân dân. Mô hình quản lý này bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là về năng lực kỹ thuật và tài chính, dẫn tới thiết kế và xây dựng mạng lưới hạ áp chất lượng kém, hao tổn và thất thoát điện năng rất lớn, khiến cho người nông dân thu nhập thấp nhưng phải mua điện với giá cao so với người dùng điện ở thành thị.
Việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện quản lý đã góp phần giải quyết những bất cập trong quản lý kinh doanh điện nông thôn. Công ty Điện lực Tuyên Quang bán điện trực tiếp cho người nông dân, đồng thời từng bước đầu tư nâng cấp, cải tạo một phần hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn, nâng cao chất lượng điện năng và đảm bảo giá bán điện đúng theo yêu cầu.
Việc đưa điện lưới quốc gia đến với các vùng nông thôn đã thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, 100% số xã trên địa bàn Tỉnh đã có điện lưới quốc gia, bức tranh kinh tế, xã hội của nhiều địa phương trên địa bàn đã thay đổi đáng kể. Đây là những yếu tố đầu tiên và quan trọng để tiến đến xây dựng mô hình nông thôn mới.
Theo ông Trương Xuân Quý - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quyên Quang, hiện nay còn khoảng 350 thôn trong Tỉnh có đường điện do dân tự đầu tư tạm bằng các cột tre, gỗ không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và an toàn trong sử dụng.
Để tiếp tục thực hiện Chương trình điện khí hóa nông thôn giai đoạn 2014 - 2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư dự kiến là hơn 1.700 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn do Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Tuyên Quang cũng cần nguồn vốn đầu tư ngoài lưới điện quốc gia lên tới vài chục tỷ đồng. Chính vì vậy, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, rất mong các hộ dân tại những nơi chưa có điện tới đây tiếp tục tham gia đóng góp tiền, ngày công, hiến đất giải phóng mặt bằng để các chủ đầu tư và đơn vị thi công nhanh chóng hoàn thành các hạng mục công trình đưa điện nông thôn.
Cũng theo ông Trương Xuân Quý, việc quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011-2015 đã được Bộ Công Thương phê duyệt là một thuận lợi để thời gian tới các cấp, ngành cũng vào cuộc, đưa điện lưới quốc gia về với bà con nông thôn tại những nơi còn chưa có điện. Một khi có điện lưới, tiêu chí số 4 (điện nông thôn) trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới sẽ trở thành hiện thực.