Đảm bảo tiến độ các dự án
Theo EVN NPT, tổng giá trị đầu tư giai đoạn 2008 - 2014 đạt trên 81.700 tỷ đồng, trong đó, đầu tư thuần 59.097 tỷ đồng. Riêng năm 2014, kế hoạch đầu tư của EVN NPT là 18.593 tỷ đồng, trong đó đầu tư thuần 14.285 tỷ đồng. Các công trình trọng điểm cơ bản đảm bảo về tiến độ như: Các dự án đồng bộ với Nhà máy Thủy điện Sơn La, các NMTĐ khu vực miền Trung, Tây Nguyên, các NMNĐ khu vực Đông Bắc và miền Nam.
Đặc biệt, với trọng trách lớn trong việc thực hiện chủ đề năm 2014 của EVN: “Tối ưu hoá chi phí và Điện cho miền Nam”, vừa qua, EVN NPT đã tập trung mọi lỗ lực và nguồn lực hoàn thành nhiều dự án quan trọng, đảm bảo cấp điện cho miền Nam như: Hoàn thành nâng công suất TBA 500 kV Phú Lâm quy mô từ 2x450 MVA lên 2x900 MVA, TBA 500 kV Tân Định từ 2x450 MVA lên 2x450 MVA + 1x600 MVA; cải tạo nâng công suất các tụ bù dọc trên ĐD 500 kV mạch 1,2 lên 2.000 A qua đó đã tăng khả năng truyền tải đảm bảo vận hành 1.600-1.800 MW.
Mục tiêu của EVN NPT là đến năm 2020 toàn bộ lưới điện truyền tải được trang bị các hệ thống giám sát, định vị sự cố, cảnh báo sự cố online cho các máy biến áp - Ảnh CTV
|
Bên cạnh đó, đã đóng điện thành công và đưa vào vận hành an toàn ĐD 220 kV Đăk Nông - Phước Long - Bình Long sau hơn 12 tháng thi công – một kỷ lục về tiến độ, điển hình của sự quyết tâm, bám sát công trình của CBCNV EVN NPT. Ngoài ra, trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, EVN NPT đã hoàn thành đưa vào vận hành nhiều dự án quan trọng đảm bảo cấp điện cho miền Nam như: ĐD 500 kV Phú Mỹ - Sông Mây, Sông Mây – Tân Định, TBA 500 kV Sông Mây, ĐD 500 kV Vĩnh Tân – Sông Mây.
Đặc biệt, EVN NPT đã hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành ĐD 500 kV Pleilu - Mỹ Phước – Cầu Bông với quy mô 2x437,5 km và Trạm 500 kV Cầu Bông. Việc đưa vào vận hành đường dây 500 kV Pleilu - Mỹ Phước – Cầu Bông có ý nghĩa vô cùng quan trọng được xác định là đường dây 500 kV mạch 3 của hệ thống lưới điện truyền tải Bắc - Nam. Qua đó tăng khả năng truyền tải đoạn từ Pleiku vào miền Nam lên 2.300 MW ngay khi đưa vào vận hành làm cơ sở để hình thành hệ thống liên kết lưới điện truyền tải 500 kV của Việt Nam, với các nhà máy thủy điện bên Lào và khu vực trong tương lai khi ĐD 500 kV Pleiku – HatXan được đầu tư xây dựng.
Phát triển lưới điện thông minh
EVN NPT đã đề ra chiến lược phấn đấu đến năm 2020 “vươn lên hàng đầu châu Á về dịch vụ truyền tải điện” với các mục tiêu chiến lược cụ thể.
Với sứ mệnh "Đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam", EVN NPT đã đề ra chiến lược phấn đấu đến năm 2020 “vươn lên hàng đầu châu Á về dịch vụ truyền tải điện” với các mục tiêu chiến lược cụ thể như: Đảm bảo vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, liên tục và ổn định; Áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, đầu tư chiều sâu, cải tạo nâng cấp, hiện đại hoá lưới điện truyền tải hiện có nhằm giảm tổn thất điện năng truyền tải tới năm 2015 xuống 2%; Từng bước hiện đại hóa hệ thống điều khiển trong lưới điện truyền tải, để ứng dụng triển khai các trạm biến áp không người trực…
EVN NPT cũng xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia hiện đại, hướng đến giá trị “xanh - sạch - đẹp” của ngành truyền tải điện theo xu thế GREEN toàn cầu và công nghệ sạch (Clean Technology, ISO 14001, CO2, chất thải,…). Đến năm 2015, sản lượng điện truyền tải đạt từ 145 - 150 tỷ kWh/năm và đến năm 2020 từ 265 - 275 tỷ kWh/năm. Mục tiêu đến năm 2020 toàn bộ lưới điện truyền tải được trang bị các hệ thống giám sát, định vị sự cố, cảnh báo sự cố online cho các máy biến áp…
Bên cạnh việc đổi mới mô hình tổ chức, quản trị theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, EVN NPT cũng đầu tư và phát triển lưới điện thông minh (Smart-Grid) với công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy của lưới điện truyền tải quốc gia, góp phần khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, phù hợp với lộ trình phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam.