Gian nan đưa điện về bản xa

Chẳng biết trời xui đất khiến thế nào, chúng tôi lại tìm lên Sìn Hồ (Lai Châu) vào giữa tháng 6 âm lịch, đúng vào mùa mưa của miền Tây Bắc xa xôi. Đường lên Sìn Hồ chỉ được vài đoạn dễ đi còn lại bùn đất nhão nhoét, trơn như bôi dầu.

Cõng điện vượt núi

Trời bắt đầu nhá nhem tối. Phía sau, hàng xe đủ loại nối đuôi nhau dài đến cả cây số. Phía trước, những công nhân cầu đường đang toát mồ hôi khoan khoan, đục đục để nhồi thuốc nổ hòng phá vỡ tảng đá hàng chục tấn đang chắn ngang đường. Giờ này, khi đã về đến Hà Nội, chúng tôi vẫn nhớ đến gương mặt “dài như cái bơm” của Nguyễn Văn Hải, phòng Thanh tra, Công ty Điện lực Lai Châu khi ngồi hơn 3 giờ đồng hồ chờ thông đường.

Hải tâm sự: “Các anh đã lên đến trên này thì em phải đưa đi. Nhưng thời tiết này thì quay về là an toàn nhất!”. Nhưng dường như để thanh minh, Hải nói: “Mà quay về cũng khó. Đằng nào cũng đã lên đây, các anh phải đi để xem anh em điện lực vùng cao, vùng xa vất vả thế nào chứ”. Đúng 20h30, đường bắt đầu thông, chiếc xe tiếp tục hành trình.

Công nhân Điện lực Lai Châu lắp đặt máy biến áp đưa điện đến các thôn bản chưa có điện ở tỉnh Lai Châu - Ảnh: Ngọc Hải

Ông Ngô Trung Kiên, Phó giám đốc Điện Lực huyện Sìn Hồ than thở: “Ở trên này cứ động mưa là phải huy động 100% lực lượng trực chiến anh ạ”. Cũng bởi ở vùng cao nói chung và ở Sìn Hồ nói riêng, hễ trời mưa là sạt đường, lở núi. Những cây cột nối nguồn sáng về với bà con trông thì sừng sững tưởng vững chắc lắm nhưng có thể bị đất đá vùi lấp bất cứ lúc nào. Nghe ông Kiên nói, chúng tôi lại nhớ đến gương mặt đen nhẻm, gầy gò của Trương Văn Hoan, đội trưởng đội thi công khi gặp ở bản Huổi Seo, huyện Phong Thổ. “Có hơn chục vị trí, 15 cột và 1 trạm biến áp thôi mà bọn em thi công từ trong Tết đến giờ vẫn chưa xong anh ạ. Chắc cũng phải hơn 1 tháng nữa mới xong”, Hoan nói.

Nghe nói thì đơn giản vậy, nhưng thực tế thì 15 cột mà Hoan đang thi công kéo dài chừng 7 cây số. Để dựng được 15 cột ấy, công nhân phải kéo cột lên dốc, xuống đèo. Có những cột ở lưng chừng núi nhằm làm ngắn lại khoảng cách đường dây. Có những cột vào vị trí ruộng lúa của người dân, đội thi công phải đợi sau mùa thu hoạch mới có thể dựng cột. Nhiều người dân không hiểu, đòi đền bù ruộng đất, hoa màu quá cao khiến đội thi công phải dừng lại để thương lượng, giải thích để đồng bào hiểu. Ấy là chưa kể, những ngày mưa, sạt núi, lở đường khiến việc đi lại đã khó, nói gì đến việc kéo cột, đưa dây vào công trường.

Thi công cột đã khó đưa máy biến áp về bản vào những ngày mưa còn khó hơn. Anh em trong ngành điện vẫn còn nhớ, vụ đưa máy biến áp vào trạm ở Vàng Ma Chải. Hồi đầu tháng 6, mưa lớn kéo dài khắp miệt Tây Bắc. Trạm biến áp ở Vàng Ma Chải bị cháy. Lãnh đạo ngành điện yêu cầu bằng mọi giá phải đưa được máy biến áp vào Vàng Ma Chải để thay thế bảo đảm cấp điện cho người dân và bộ đội biên phòng. Đúng hôm đưa máy biến áp vào xã, trời mưa tầm tã từ sáng tới tối. Đoạn đường từ Dào San vào Vàng Ma Chải dài khoảng 25 cây số. Đoạn đường từ điểm ô tô có thể tập kết được lên đến điểm đặt trạm biến áp xã khoảng 5 cây số. Ngày nắng đi bộ lên đã vất vả. Ngày mưa đi bộ lên còn khó khăn hơn. Ban đầu, anh em nhìn vào cái máy nặng hơn 800 cân rồi lắc đầu “chịu chết”. Nếu không quyết tâm làm cùng với thiết bị hỗ trợ thì sẽ không thể đưa máy vào được. Hôm đó, đồn biên phòng huy động 40 chiến sỹ, cùng vài chục thanh niên của xã và 10 cán bộ ngành điện tìm mọi cách mở núi đưa máy biến áp về xã. Từng ấy người phải dùng cả pa lăng kéo máy biến áp nhích từng chút một. Đến tối mịt, họ mới kéo được máy biến áp về trạm. Sau bữa đó, nhiều người ốm nằm nhà mấy ngày trời. Nhưng họ đã không thẹn với nhân dân khi đã đóng điện đúng hẹn.

Với từng ấy khó khăn, từng ấy sự cheo leo hiểm trở đã khiến nhiều bản, nhiều làng của tỉnh Lai Châu hiện giờ vẫn chưa có nguồn điện lưới quốc gia. Theo thống kê của Công ty Điện Lực Lai Châu, trong tổng số 108 xã của tỉnh Lai Châu, vẫn còn 8 xã chưa có điện lưới quốc gia. Nếu thống kê trên tổng số hộ dân thì vẫn còn đến gần 30% số hộ chưa được dùng điện lưới quốc gia. Chỉ nói riêng một huyện Sìn Hồ, để đưa điện vào bản Huổi Pha, Huổi Lá ở xã Nậm Hăn, công nhân đã phải kéo điện dài khoảng 140 cây số tính từ trung tâm huyện vượt qua không biết bao nhiêu núi cao, vực sâu, suối dữ. Rõ ràng, việc đưa điện vào các bản vùng sâu, vùng xa không phải là việc đơn giản có thể làm xong trong một mùa khô.

Điện sắp về Lùng Cù 2

Những ngày lang thang nơi thôn bản của tỉnh Lai Châu, chúng tôi càng thấu hiểu niềm mong chờ dòng điện lưới của đồng bào các dân tộc. Ở những nơi cheo leo, hiểm trở, dù chưa có điện lưới, đồng bào vẫn có thể dùng điện từ những chiếc tua – bin nhỏ bắc ngang con suối. Nhưng “cái điện nước nó cũng hay hỏng lắm”, anh Tẩn A Ngắc, ở bản Mồ Si Câu, xã Hoang Thèn (huyện Phong Thổ) nói. Hồi chưa có điện lưới quốc gia, sáng sớm anh Ngắc lên nương, chiều tối lại về sớm để sửa cái tua-bin để lấy điện. “Từ ngày có điện quốc gia, giờ không phải sửa nữa rồi!”, Ngắc vui mừng chia sẻ.

Đơn vị thi công triển khai cấp điện cho các bản vùng sâu của xã Giào San Huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu - Ảnh: H.Hiếu

Ngay từ khi có điện lưới về bản hồi tháng 4/2013, Ngắc đã dám bỏ ra hơn 6 triệu đồng mua hẳn một bộ dàn nghe nhạc. Đủ cả đầu đĩa, âm ly, loa thùng, dàn nghe nhạc của Ngắc cứ choang choang cả xóm. Ở một cái bản nghèo, xã nghèo như Mồ Si Câu, 6 triệu đồng là số tiền quá lớn, có thể giúp một hộ thoát nghèo. Nhưng với Ngắc, 6 triệu đồng có thể đem lại niềm vui, sự hứng khởi cho cả gia đình, thậm chí cả hàng xóm. Trong lúc thái chuối nấu cám cho lợn, Ngắc vẫn bật dàn lên để nghe nhạc cho vui. Lũ trẻ, con của Ngắc, nhảy nhót khắp nhà.

Đấy là niềm vui ở một bản đã được cấp điện lưới. Còn ở bản Lùng Cù 2, xã Ma Quai (huyện Sìn Hồ), người dân đang thắc thỏm, hồi hộp chờ ngày được dùng điện lưới. Đang ngồi viết viết lách lách cái gì đó vào cuốn sổ ở đầu hiên nhà, thoáng thấy bóng áo da cam của ngành điện, già làng Lý A Xếnh đã hỏi to: “Bao giờ nhà bố được dùng điện lưới đấy?”. Khi thấy có cả người lạ đi cùng, ông Xếnh lại dịu giọng hỏi vừa như là hỏi dò, vừa như là để chữa ngượng: “Ồ, mấy cán bộ về Lùng Cù kiểm tra gì à?”. Ngô Văn Hiếu, cán bộ điện lực nhanh nhảu đáp: “Con và Tứ đi kiểm tra đường dây và đóng thử điện để hôm tới đóng điện thật cho chắc”.

“Ồ, thế à! Con Hiếu, con Tứ vào nối thử điện thì bố vui lắm, bản vui lắm”, ông Xếnh vui vẻ hẳn lên rồi gọi con, gọi cháu đi pha nước.

Ông kể một mạch lại những gian nan, khổ ải của đời ông và của bản Lùng Cù 2 này. Năm nay ông đã ngoài 60 tuổi. Ông biết chữ từ hồi ở bộ đội. Ngày ông đi bộ đội, nhà bố mẹ ông vẫn còn ở đâu đó trên dãy Pu Sam Cáp. “Người Mông ăn sương”, nhà ông cứ ở đâu được một vài năm khi cái lúa, cái ngô không tốt nữa thì lại chuyển nhà đi miễn chỗ nào có mây mù che phủ sớm chiều. Sau mấy năm đi bộ đội, ông quay về nhà không thấy bản cũ đâu. Sau vài ngày hỏi người Mông trong vùng mới biết chỗ ở của bố mẹ ông dù họ vẫn ở trên dãy Pu Sam Cáp. Cái nghèo vẫn đeo bám ông và nhà họ Lý nhà ông khi chuyển từ nơi này qua nơi khác. Trước khi chuyển về Lùng Cù 2, từ nhà ông đi Nậm Loỏng mất hơn 3 tiếng đi bộ, còn từ nhà chăn dê của ông đi về thị xã Lai Châu mới thì mất khoảng 4 tiếng.

Cách đây hơn 5 năm, nghe lời tuyên truyền của cán bộ, bản ông tụt từ trên núi xuống, chuyển về định cư ở bản Lùng Cù. Khi mới chuyển về, ông thấy cuộc sống của người Thái bên Lùng Cù 1 mà cứ ao ước tối ngày. Ông mong có ngày bản Lùng Cù 2 của ông cũng xanh tươi và có điện như bản Lùng Cù 1. Giờ thì niềm mong ước của ông sắp thành hiện thực. “Bố đã dặn con cháu không được leo trèo lên cột điện vì trong dây điện có cái sét đấy. Sờ vào nó giật cho chết người”, ông Xếnh kể như khoe. Ông còn dặn Lý A Chếnh, con trai của ông, rằng: “Có điện lưới, mày phải dùng ít ít đi đấy nhé! Dùng nhiều nhỡ cái điện lưới lại hỏng nhiều như mấy cái máy phát của mày thì lại khổ bố, khổ bản Lùng Cù này”. Chả là anh Chếnh mua ti vi được hơn một năm chạy bằng điện nước kéo đường dây gần 1 cây số từ trên suối về nhưng anh đã phải thay tới 3 cái máy điện nước vì bị hỏng.

Sẽ có ngày người Mông ở bản Lùng Cù hiểu về những lợi ích của điện lưới như người dân ở bản Mồ Si Câu, xã Hoang Thèn (huyện Phong Thổ). Theo ông Phàn Chỉn Thèn, nguyên trưởng bản Mồ Si Câu,  thì trước, bản này nghèo lắm. Có điện, có ti vi, có rađiô, được nghe chính sách của Đảng, Nhà nước, được tiếp cận với kinh nghiệm của đồng bào nhiều vùng, người dân nơi đây dần thay đổi tập quán canh tác, chăn nuôi. Cái đói dần bỏ đi. “Có điện lưới rồi, chắc vài năm nữa Mồ Si Câu sẽ không còn hộ nghèo đâu!”, ông Thèn nói chắc nịch.


  • 23/08/2013 08:52
  • Hanoimoi.com.vn
  • 3403