Gỡ khó để đưa điện về nông thôn

Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn về vốn và nguồn nhân lực, nhưng EVN vẫn  nỗ lực tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, đầu tư cải tạo và nâng cấp, đảm bảo điện ổn định cho khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Để hiểu rõ hơn, PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Chuyển – Phó Ban Kinh doanh EVN.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết kết quả đạt được trong công tác đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo của EVN những năm qua?

Ông Lê Văn Chuyển

Ông Lê Văn Chuyển: Mặc dù phải tập trung vốn đầu tư rất lớn cho nguồn điện và lưới điện truyền tải, nhưng hàng năm EVN vẫn bố trí hàng nghìn tỷ đồng thực hiện các chương trình đầu tư lưới điện khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo… với mục đích cấp điện cho các hộ dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Cụ thể: Dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; Dự án cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên; Dự án cấp điện cho các thôn bản chưa có điện các tỉnh miền núi phía Bắc; triển khai Dự án kéo cáp ngầm xuyên biển cấp điện từ hệ thống điện quốc gia nối đất liền với huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) và huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) …

PV: Về chương trình tiếp nhận lưới điện nông thôn của EVN, đặc biệt là cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn và bán điện trực tiếp đến các hộ dân, EVN hoàn thành được khối lượng công việc cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Chuyển: Từ năm 2000, EVN thực hiện Chương trình tiếp nhận khoảng 30.000 công trình và hoàn trả gần 800 tỷ đồng cho lưới điện trung áp nông thôn trên phạm vi cả nước; tiếp theo đó là Chương trình tiếp nhận lưới điện trung áp thủy nông quốc doanh và tiếp nhận hệ thống điện của các nông, lâm trường.

Từ năm 2008 đến nay, EVN đẩy mạnh việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, đầu tư cải tạo và nâng cấp LĐHANT, thực hiện bán điện trực tiếp đến các hộ dân nông thôn theo đúng giá bán điện sinh hoạt do Chính phủ quy định. Tính đến tháng 9/2014, các tổng công ty điện lực thuộc EVN đã tiếp nhận quản lý & bán điện trực tiếp đến 85,27% số xã có điện trên cả nước (7.697/9.027 xã), với 81,64% số hộ nông thôn (13,43/16,45 triệu hộ); hiện số xã do các tổ chức quản lý điện của địa phương đang quản lý và bán lẻ là 1.330 xã, với 3,02 triệu hộ nông thôn.

PV: Khi ngành Điện trực tiếp tổ chức  bán điện đến từng hộ dân nông thôn, theo ông có gì khác so với trước đây và người dân nông thôn được hưởng lợi gì?

Ông Lê Văn Chuyển: Khác biệt rõ nhất và có ý nghĩa lớn đối với người dân nông thôn đó là họ sẽ được hưởng mức giá điện của Chính phủ quy định, không phải mua điện thông qua trung gian. Các hộ gia đình sẽ không phải đóng góp hàng năm các khoản chi phí quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện, không phải bỏ tiền mua sắm công tơ khi có nhu cầu cấp điện. Lưới điện sau tiếp nhận sẽ được ngành Điện đầu tư cải tạo, nâng cấp, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và an toàn.

Việc EVN tiếp nhận quản lý LĐHANT và bán điện trực tiếp đến các hộ dân nông thôn thể hiện trách nhiệm chính trị của EVN trong việc thực hiện chính sách an sinh phúc lợi xã hội và chính sách nông nghiệp - nông dân - nông thôn của Đảng và Nhà nước; đồng thời góp phần hỗ trợ ổn định trật tự xã hội và trật tự về sử dụng điện tại khu vực nông thôn trong cả nước.

PV: Việc giao, nhận và hoàn trả giá trị tài sản còn lại của LĐHANT ở một số địa phương còn chậm. Ông lý giải  tình trạng này thế nào?

Ông Lê Văn Chuyển: Đúng là có những vướng mắc nhất định. Với các xã thuộc Dự án Năng lượng nông thôn 2 (REII) tiến độ bàn giao chậm, do các Ban Quản lý Dự án địa phương chưa hoàn tất hồ sơ cấp đất, đền bù giải phóng mặt bằng, hồ sơ tài chính để xác định cơ cấu nguồn vốn, khấu hao tài sản, giá trị còn lại và giá trị hoàn trả, từ đó xác lập hồ sơ giao, nhận. Trong quá trình bàn giao, tài sản hiện có so với hồ sơ hoàn công có sự thay đổi. Ví dụ, hộp công tơ thiếu vách ngăn, công tơ điện thiếu nắp boóc, mạch đấu bị thay đổi... không đảm bảo cho quản lý kỹ thuật và kinh doanh điện năng.

Thời gian từ khi thiết kế Dự án REII đến khi hoàn thành công trình kéo dài, phụ tải thay đổi nhiều so với thiết kế, do đó nhiều đường dây 0,4 kV khi đưa vào vận hành đã ở mức quá tải dẫn đến chất lượng điện áp cuối đường dây không đảm bảo (nhất là vào giờ cao điểm) dẫn đến tỷ lệ tổn thất điện năng cao.

Đối với các xã ngoài Dự án REII: Nhiều chủ sở hữu tài sản đề nghị được hoàn trả vốn theo giá trị còn lại, trong khi hồ sơ không có đủ theo hướng dẫn thực hiện Thông tư số 32/2013/BCT-BTC; chưa có quy định thống nhất của cấp có thẩm quyền trong việc đánh giá giá trị còn lại và hoàn trả vốn đầu tư lưới điện trung áp nông thôn khi bàn giao đồng thời với LĐHANT.

PV: Để giải quyết những vướng mắc trên, đồng thời tạo thuận lợi cho EVN sau khi tiếp nhận LĐHANT, theo ông cần có những giải pháp gì?

Ông Lê Văn Chuyển: Nguồn vốn đầu tư cải tạo LĐHANT sau tiếp nhận là rất khó khăn, chi phí truyền tải và chi phí quản lý lưới điện hàng năm là rất lớn.Chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương sớm đề xuất chính sách về giá bán buôn điện nông thôn hợp lý.

Đối với các tỉnh/thành phố có nhu cầu bàn giao LĐHANT (đặc biệt là các xã dự án REII) cho ngành điện lực, đề nghị lên kế hoạch hợp lý để công ty điện lực chuẩn bị, nhất là chuẩn bị các nguồn lực nhằm nâng cấp cải tạo sửa chữa lớn lưới điện, thay thế công tơ và phát triển khách hàng, tránh trường hợp ngành Điện bị động do yêu cầu tiếp nhận - bàn giao ngoài kế hoạch.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 26/02/2015 05:05
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 4051


Gửi nhận xét