Hiệp định hạt nhân dân sự: Việt - Mỹ cùng có lợi

Thỏa thuận hạt nhân dân sự Việt Nam - Mỹ (còn gọi là Hiệp định 123) được đưa vào thực thi sẽ mở ra cơ hội lớn cho hợp tác song phương giữa hai nước trong lĩnh vực điện hạt nhân.

Vừa qua, các cơ quan liên quan của Việt Nam và Mỹ đã trao đổi văn bản xác nhận hiệu lực của Hiệp định 123. Đây là thủ tục cuối cùng để 2 bên chính thức đưa hiệp định quan trọng này vào thực thi, mở ra cơ hội lớn cho hợp tác song phương trong lĩnh vực điện hạt nhân.

Thỏa thuận hạt nhân dân sự Việt - Mỹ được phát triển dựa trên Mục 123 về “Hợp tác với các quốc gia khác” trong Luật Năng lượng Nguyên tử của Mỹ, nhằm điều chỉnh các giao dịch thương mại trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và tạo khung pháp lý để tăng cường hợp tác giữa hai bên trong các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, phát triển và ứng dụng năng lượng hạt nhân.

Đặc biệt, Hiệp định này tạo cơ sở để Việt Nam tiếp cận công nghệ hạt nhân hiện đại của Mỹ cho các dự án phát triển điện hạt nhân trong nước. Giám đốc cao cấp của Viện Năng lượng hạt nhân Mỹ - Carol Berrigan đánh giá: “Tôi cho rằng Hiệp định 123 là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam và Mỹ cùng hợp tác phát triển một chương trình năng lượng hạt nhân an toàn và an ninh. Tại Mỹ, chúng tôi đang vận hành hàng trăm nhà máy điện hạt nhân với mức độ an toàn và an ninh rất cao và đây là cơ hội để các doanh nghiệp và nhà cung cấp Mỹ chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này với Việt Nam.”

Mô hình lò phản ứng AP1000 sử dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay

Trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung phát triển các nguồn năng lượng điện, điện hạt nhân được kỳ vọng sẽ đáp ứng trên 10% nhu cầu tiêu thụ điện năng trong nước vào năm 2030. Theo ước tính của Bộ Thương mại Mỹ, thị trường điện hạt nhân Việt Nam có thể mang lại cho các doanh nghiệp Mỹ từ 10 - 20 tỷ USD, đồng thời tạo ra hơn 50.000 việc làm với thu nhập cao cho người lao động Mỹ. Đây là tiềm năng mà các công ty Mỹ không thể bỏ qua.

Ông Jeff Benjamin - Phó Chủ tịch của Westinghouse, một công ty công nghệ hạt nhân hàng đầu của Mỹ cho biết, Việt Nam là thị trường rất quan trọng đối với Mỹ tại khu vực Viễn Đông. Các công ty hạt nhân Mỹ đều rất quan tâm tới Việt Nam, trước hết là bởi vì Việt Nam đã có cách tiếp cận rất thấu đáo khi xem xét triển khai năng lượng hạt nhân. Điều này tạo sự tin tưởng rằng chương trình năng lượng hạt nhân của Việt Nam đang đi đúng hướng, khi Việt Nam đang có nhu cầu về sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình.

Theo Viện Năng lượng hạt nhân Mỹ, năng lượng hạt nhân có thể giúp Việt Nam tăng cường an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và cắt giảm được 79 triệu mét khối khí CO2 hàng năm, tương đương với lượng khí thải của 15 triệu ô tô.

Tuy nhiên, an toàn luôn là mối quan tâm hàng đầu khi xem xét phát triển năng lượng hạt nhân, nhất là khi một số quốc gia đã đóng cửa nhà máy điện hạt nhân. Về vấn đề này, Giám đốc cao cấp của Viện Năng lượng hạt nhân Mỹ, Carol Berrigan cho rằng các nước cần căn cứ vào nhu cầu phát triển của mình để quyết định xem có nên phát triển điện hạt nhân hay không. 

“Hiện nay đúng là có những nước từ bỏ năng lượng hạt nhân nhưng cũng có những nước quyết định phát triển thêm nguồn năng lượng này. Mỗi nước cần tự xác định nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội để đưa ra những quyết định phù hợp”, Giám đốc Carol Berrigan cho biết.

Trong khi đó, Westinghouse đang giới thiệu mô hình lò phản ứng AP1000 sử dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Công nghệ AP1000 sử dụng hệ thống an toàn thụ động, giúp nhà máy điện hạt nhân có khả năng ứng phó với sự cố nặng và vận hành an toàn trong một thời gian dài mà không cần con người hay máy móc.

Theo Phó Chủ tịch Westinghouse - Jeff Benjamin, trong các trường hợp khẩn cấp, công nghệ AP1000 sử dụng các quy luật của tự nhiên như lực hút trái đất, các nguyên tắc hoá rắn, hoá lỏng cũng như bốc hơi để vừa ngừng hoạt động vừa đảm bảo duy trì nhà máy ở tình trạng an toàn mà không cần phải dùng nhân lực, động cơ diesel hay pin sạc để đối phó.

Ông Benjamin cũng cho biết, hợp tác hạt nhân dân sự Việt - Mỹ không chỉ gói gọn trong phạm vi công nghệ mà bên cạnh đó còn góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.

“Nhiều người nghĩ rằng thỏa thuận hạt nhân dân sự chỉ liên quan đến xây dựng nhà máy nhưng thực ra nó còn bao gồm cả vấn đề cơ sở hạ tầng. Khi giới thiệu công nghệ AP1000, chúng tôi cũng đã tính tới việc thiết lập quan hệ đối tác với các công ty điện lực của Mỹ để phát triển các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực vì những nhà máy điện hạt nhân này sẽ tạo ra hàng trăm việc làm chất lượng cao cho Việt Nam”, ông Benjamin cho hay.

Cũng theo ông Jeff Benjamin, Westinghouse đang xúc tiến kế hoạch đưa một số kỹ sư và nhà nghiên cứu Việt Nam sang học tập cũng như làm việc tại Mỹ trong một số lĩnh vực liên quan tới điện hạt nhân.

Mỹ là nước thứ 8 mà Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác về hạt nhân dân sự, sau Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ và Argentina. Với quy mô ước tính lên tới 50 tỷ USD, thị trường điện hạt nhân Việt Nam hiện được đánh giá là đứng thứ 2 tại khu vực Đông Á, chỉ sau Trung Quốc


  • 04/11/2014 01:52
  • Theo VOV.vn
  • 4167


Gửi nhận xét