PV: Xin ông cho biết, tầm quan trọng của biển đảo Việt Nam trong phát triển kinh tế xã hội cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi
|
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Có thể nói biển đảo đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế cũng như sự nghiệp bảo vệ an ninh – quốc phòng của Việt Nam. Nói ngắn gọn, về kinh tế, mỗi hòn đảo như thỏi vàng xanh trên nền biển bạc; về chủ quyền mỗi hòn đảo như một cột mốc đánh dấu chủ quyền tự nhiên quốc gia; về quân sự an ninh, mỗi hòn đảo như một chiến hạm không thể đánh chìm.
Muốn giữ gìn chủ quyền, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng một cách bền vững, tạo sức mạnh trên biển, nước ta phải phát triển kinh tế biển đảo, từ đó mới có thể giải quyết được rất nhiều mối quan hệ từ an ninh - quốc phòng, xã hội, tài nguyên, môi trường… Những đảo, quần đảo, cụm đảo có giá trị, có tiềm năng phát triển kinh tế phải được coi là những trung tâm hay những cực phát triển, từ đó, tạo ra tầm ảnh hưởng, kết nối, đánh thức tiềm năng không gian biển rộng lớn.
PV: Thưa PGS, ông đánh giá như thế nào về vị trí của điện trong việc đáp ứng phát triển cơ sở hạ tầng cũng như đánh thức tiềm năng biển đảo ở Việt Nam?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Hiện nay kết cấu hạ tầng ở biển đảo ở nước ta còn kém phát triển. Trong khoảng 3.000 hòn đảo Việt Nam tuyên bố chủ quyền, chỉ 66 đảo có người sinh sống với số dân 240.000 người, mật độ dân số trung bình 95 người/km2 (năm 2010). Đảo có mật độ dân số đông nhất là Lý Sơn 2.000 người/km2.
Một trong những yếu tố quan trọng, góp phần phát triển kinh tế biển đảo hiện nay chính là điện. Có điện mới có thể tiến hành khai thác những giá trị của biển – đảo như: Du lịch sinh thái, giải trí…phát triển công nghiệp chế biến hải sản, xây dựng bến cảng, sân bay... Điện là yếu tố góp phần tạo nên sự văn minh. Tôi có dịp ra huyện đảo Lý Sơn trước khi có điện lưới quốc gia. Bà con ở đây đã rất háo hức, phấn khởi mong chờ điện lưới quốc gia. Giờ đã có điện, cuộc sống ở đảo trở lên văn minh hơn khi các khách sạn đều sáng đèn điện, có điều hòa, có các dịch vụ khác, còn bà con có tivi, tủ lạnh, đài… Vì vậy, không có điện thì không thể đánh thức được tiềm năng biển đảo.
EVN đã thực hiện 3 dự án cấp điện cho các huyện đảo trên cả nước bằng cáp ngầm xuyên biển - Ảnh H.Hiếu
|
PV: Trong thời gian qua, Chính phủ, EVN và nhân dân cả nước đã rất nỗ lực chung tay đưa điện lưới quốc gia tới nhiều huyện, xã đảo trên cả nước cũng như đảm bảo điện ở các huyện đảo xa xôi mà điện lưới không tới được. Theo ông, trong thời gian tới đây, chúng ta cần làm gì để có thể phát huy được giá trị của dòng điện đem lại?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc đưa điện ra đảo rất quan trọng, ngay cả Phú Quốc là đảo lớn nhất Việt Nam nếu không có điện thì cũng khó phát triển. Tuy nhiên, điện cũng chỉ là yếu tố đầu vào mang tính tác động thôi vì bản thân điện không làm ra tiền. Nên sau khi đưa điện ra đảo chúng ta cần phải tính toán làm sao để khai thác hiệu quả từ điện để thúc đẩy kinh tế, tạo đà để người dân có thể chủ động phát triển kinh tế và có cuộc sống đầy đủ hơn.
Bên cạnh đó, một hòn đảo dù có tiềm năng đến đâu, nhưng không kết nối, liên kết với không gian xung quanh thì nó chỉ có thể tồn tại mà không phát triển được. Việc quy hoạch phải đi đầu, bởi quy hoạch xong mới có căn cứ để đầu tư, để sản xuất, rồi thương mại hóa… Trong quy hoạch biển đảo hiện nay, tính liên ngành chưa thực sự được phát huy, đây là điều mà các bộ ngành, địa phương cần chung tay giải quyết trong thời gian tới.
Về đảm bảo điện cho các đảo cũng có nhiều cách thực hiện như đối với những đảo ven bờ, có thể chúng ta dùng trực tiếp điện từ cáp ngầm ra, nhưng nhiều nước trên thế giới đôi khi không kéo cáp ngầm ra như ở Việt Nam mà với đảo cách đất liền vài chục km họ làm cầu để “thổi” văn hóa, kiến trúc vào tự nhiên kết nối không gian đảo với bờ để thu hút khách du lịch. Tất nhiên cũng phải tính đến các yếu tố kinh tế xã hội khác. Còn những đảo hoang sơ, hoang dã hoặc quá xa bờ thì không nên đưa điện lưới bằng cáp ngầm mà sử dụng nguồn năng lượng tại chỗ như gió, mặt trời, thủy triều… để đảm bảo nguồn điện tại chỗ như vậy sẽ kinh tế và khả thi hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!