|
Toàn cảnh Hội nghị Quốc tế "Năng lượng hạt nhân thế kỷ 21" - Ảnh: nangluongvietnam |
Gần 600 đại biểu đến từ 89 quốc gia và 7 tổ chức quốc tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã tham dự Hội nghị.
Báo cáo tổng kết của IAEA cho biết, hiện nay trên thế giới có khoảng 434 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, 69 nhà máy đang xây dựng. Dự đoán, trong vòng 20 năm tới, con số này sẽ tiếp tục tăng ít nhất từ 80 - 90 nhà máy, thậm chí còn cao hơn rất nhiều…
Theo Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano, sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật bản vào tháng 3/2011, đã đến lúc thế giới cần thảo luận nghiêm túc về tương lai của năng lượng hạt nhân, với mục tiêu an toàn là trên hết.
Vì vậy, Hội nghị đã tập trung thảo luận ở cấp bộ trưởng và chuyên gia quốc tế về vai trò của năng lượng hạt nhân trong giảm nhẹ hậu quả của biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu điện ngày càng gia tăng, quản lý xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân đối với sự phát triển kinh tế trong thế kỷ 21: “Hiện nay, Việt Nam đang đầu tư xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên với sự hợp tác của Nga và Nhật Bản. Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ các đối tác về lĩnh vực công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực… để Việt Nam có thể đáp ứng được những yêu cầu của IAEA trong việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân. Việt Nam cũng cam kết bằng nỗ lực cao nhất trong việc thực hiện trách nhiệm của mình về vấn đề an ninh, an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân"...
Hội nghị Quốc tế "Năng lượng hạt nhân thế kỷ 21" được tổ chức bốn năm một lần, hai hội nghị trước diễn ra tại Paris (Pháp) và Bắc Kinh (Trung Quốc).