Năm Việt – Pháp: Cơ hội thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước về năng lượng

“Pháp và Việt Nam hợp tác rất chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng. Chúng tôi hy vọng, các doanh nghiệp Pháp sẽ tiếp tục tham gia nhiều hơn nữa vào các dự án lớn tại Việt Nam” – đó là khẳng định của ngài Stéphane Dubost, Phó trưởng Tham tán Kinh tế - Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, khi trao đổi với phóng viên evn.com.vn, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp (1973-2013).

Ông Stéphane Dubost

PV: Ngài đánh giá như thế nào về quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng ?

Ngài Stéphane Dubost: Năng lượng là một trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên của Pháp với Việt Nam. Thông qua Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), chúng tôi muốn hỗ trợ Việt Nam đối phó với các thách thức về nhu cầu năng lượng ngày càng tăng do gia tăng dân số cũng như mở rộng của các hoạt động kinh tế. AFD tài trợ cho các dự án sản xuất điện (như Dự án Nhà máy Thủy điện Huội Quảng, thông qua vốn vay trực tiếp cho EVN), Dự án Truyền tải điện (đường dây cao thế 500 kV Pleiku – Cầu Bông, đồng tài trợ với Ngân hàng Phát triển châu Á).

Từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp Pháp đã tham gia vào việc cung cấp thiết bị cũng như thiết kế, xây dựng các nhà máy điện tại Việt Nam. Có mặt tại Việt Nam từ đầu những năm 90 thế kỷ trước, Tập đoàn Alstom tham gia vào nhiều dự án lớn về sản xuất điện (chiếm 20% sản lượng điện của Việt Nam) và đặc biệt là các dự án thủy điện (Nhà máy Thủy điện Sơn La, công suất 2.400 MW và gần đây nhất là các nhà máy Thủy điện  Lai Châu và Đồng Nai 5). Năm 2012, Alstom đã ký kết với EVN thành lập Công ty Liên doanh xây dựng dịch vụ Năng lượng Alstom - Phú Mỹ một xưởng sửa chữa tua bin khí tại Việt Nam. Đây là dự án cho phép Việt Nam đầu tư công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Tập đoàn EDF đã xây dựng và khai thác Nhà máy điện chu trình hỗn hợp khí tự nhiên Phú Mỹ 2.2, công suất 715 MW, từ tháng 1 năm 2005 theo hình thức  Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao (BOT) thời hạn 20 năm. Tập đoàn EDF và Tập đoàn GDF SUEZ cùng mong muốn đầu tư vào các dự án sản xuất điện tại Việt Nam, đặc biệt các dự án theo hình thức BOT hoặc hình thức đối tác công tư (PPP). Ngoài ra, Tập đoàn Schneider Electric với 700 nhân viên làm việc tại Việt Nam, là nhà cung cấp lớn về thiết bị điện hạ thế và trung thế tại Việt Nam. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Pháp còn tham gia vào lĩnh vực khai thác, lọc dầu và phân phối nhiên liệu…

Có thể nói, Pháp và Việt Nam hợp tác rất chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng. Chúng tôi hy vọng, các doanh nghiệp Pháp sẽ tiếp tục tham gia nhiều hơn nữa vào các dự án lớn tại Việt Nam.

PV: Là một trong những quốc gia đi đầu thế giới về phát triển năng lượng hạt nhân, vậy Pháp hợp tác với Việt Nam như thế nào trong lĩnh vực này ?

Ngài Stéphane Dubost: Việt Nam hiện đang triển khai 2 dự án năng lượng nguyên tử tại tỉnh Ninh Thuận. Pháp có thể tham gia vào hai dự án này với tư cách nhà thầu phụ, đặc biệt là cung cấp các thiết bị cơ bản đảm bảo an toàn và an ninh thông qua các doanh nghiệp Pháp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Tôi cho rằng, Tập đoàn Alstom có thể cung cấp tua-bin và Areva có thể cung cấp các bảng điều khiển và một số thiết bị tăng cường an toàn cho các lò phản ứng. Đối với dự án thứ hai, mô hình lò phản ứng 1.000 MW ATMEA-1 do AREVA và Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản cùng thiết kế và vừa được Thổ Nhĩ Kỳ chọn lựa sẽ là một ứng cử viên đáp ứng được nhu cầu của phía Việt Nam. Các tập đoàn EDF và GDF-Suez hoàn toàn có đủ năng lực để tham gia vào dự án này.

EVN và Alstom có mối quan hệ hợp tác lâu dài và hiệu quả. Ảnh: Vũ Lam

PV: Để vận hành được nhà máy điện hạt nhân cần một đội ngũ chuyên gia, kỹ sư đủ năng lực. Pháp có tham gia hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nhà máy điện hạt nhân không, thưa Ngài?

Ngài Stéphane Dubost: Chúng tôi nhận thấy, Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Điện hạt nhân. Ước tính số chuyên gia cần đào tạo từ nay đến giai đoạn 2020-2050 lên tới 3.000 người. Số chuyên gia cần đào tạo cho hai nhà máy điện hạt nhân là 2.750 người, trong đó 2.400 kỹ sư và 350 thạc sĩ và tiến sĩ.

Viện Bảo vệ bức xạ và An toàn hạt nhân Pháp (IRSN) đang tham gia vào quá trình đào tạo chuyên gia cho Việt Nam thông qua chương trình của Viện đào tạo An toàn hạt nhân châu Âu (European Nuclear Safety Training and Tutoring Institute). Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Ủy ban quốc gia Năng lượng Nguyên tử và Năng lượng thay thế Pháp (CEA) tháng 10 năm 2012 là dịp để Pháp khẳng định lại một lần nữa khả năng của mình trong đào tạo chuyên gia về an toàn năng lượng cho lĩnh vực điện hạt nhân.

Ngoài ra, là dự án hàng đầu về hợp tác khoa học và giáo dục đại học giữa Pháp và Việt Nam, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) cùng phối hợp với các trường đại học của Pháp triển khai dự án đào tạo thạc sĩ trong lĩnh vực "Năng lượng và An toàn Hạt nhân", cho phép triển khai khóa đào tạo ban đầu cao cấp về an toàn hạt nhân  tại Việt Nam.

PV: Những lĩnh vực khác như phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng là thế mạnh của Pháp. Ông đánh giá thế nào về việc phát triển nguồn năng lượng này ở Việt Nam cũng như cơ hội tăng cường quan hệ hợp tác, trao đổi thương mại giữa hai nước trong lĩnh vực này thế nào?

Ngài Stéphane Dubost: Năm Pháp - Việt chắc chắn là cơ hội để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này.

Cụ thể, từ ngày 7 đến 9 / 4, nhiều doanh nghiệp Pháp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã tham gia vào Diễn đàn Doanh nghiệp do Ubifrance tổ chức và Bộ trưởng Ngoại thương Pháp, bà Nicole Bricq là người khai mạc Diễn đàn. Các doanh nghiệp trọng điểm khác dự kiến tham gia Gian hàng Pháp tại triển lãm Green-Biz sẽ diễn ra vào ngày 18-20/9 trong đó Pháp là khách mời danh dự. Hiện nay, các nguồn năng lượng tái tạo vẫn chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng của Việt Nam, cũng như chưa đáp ứng các mục tiêu mà Việt Nam đề ra. Ngoài thủy điện nhỏ, Việt Nam hiện có 3 nguồn năng lượng tái tạo có thể khai thác được, đó là: Sinh khối, điện gió và năng lượng mặt trời.

Doanh nghiệp của chúng tôi rất giàu kinh nghiệm trong tất cả các lĩnh vực trên, đặc biệt là về sử dụng hiệu quả năng lượng (của các tòa nhà và trong lĩnh vực công nghiệp), vốn là thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay và kinh nghiệm này hoàn toàn phù hợp để chuyển giao cho Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 25/06/2013 03:20
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3039


Gửi nhận xét