|
Lò phản ứng Fukushima 1 - Nhật Bản |
Bộ quy tắc mới sẽ có hiệu lực từ ngày 8/7, mở đường cho các lò phản ứng hạt nhân đang tạm ngừng hoạt động ở Nhật Bản có thể hoạt động trở lại.
Theo Bộ quy tắc mới, các công ty quản lý nhà máy điện hạt nhân sẽ phải đưa ra các biện pháp đối phó hiệu quả trước các sự cố hạt nhân nghiêm trọng.
Đồng thời, các lò phản ứng phải được trang bị thêm hệ thống lọc không khí (trước đó vẫn được xả ra khỏi lò), chuẩn bị các phòng điều hành khẩn cấp nhằm bảo vệ hoạt động của lò phản ứng trước bất cứ hành vi khủng bố hoặc thảm hoạ thiên nhiên nào.
NRA cũng yêu cầu các công ty điện lực đánh giá nghiêm ngặt hơn về đứt gãy địa chất dưới các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, đảm bảo rằng các cơ sở này có khả năng chịu sóng thần hoặc các tác động khác của thiên nhiên.
Ngay sau khi Bộ quy tắc mới được công bố, 4 công ty điện lực lớn của Nhật Bản (Hokkaido, Kansai, Shikoku và Kyushu) quản lý 6 nhà máy điện hạt nhân, dự kiến sẽ nộp đơn xin thẩm định độ an toàn với 12 lò phản ứng sớm nhất vào tháng 7/2013.
Các cơ sở này sử dụng lò phản ứng nước áp suất cao để sản xuất điện, khác với các lò phản ứng dùng nước tầng sôi như tại Fukushima 1. Đại diện Công ty Điện lực Kansai hy vọng, NRA sẽ sớm tiến hành các quy trình thẩm định an toàn một cách hiệu quả, nhằm từng bước giải quyết tình trạng thiếu hụt điện năng hiện nay ở Nhật Bản.
Sau sự cố Fukushima năm 2011, trong số 50 lò phản ứng thương mại ở Nhật Bản hiện chỉ có 2 lò ở miền Tây Nhật Bản đang hoạt động. Việc các lò phản ứng hạt nhân bị ngừng hoạt động khiến Nhật Bản lâm vào cảnh thiết hụt điện năng trầm trọng, trong khi các nguồn điện năng thay thế như nhiệt điện và năng lượng mặt trời trở thành gánh nặng chi phí cho các công ty điện lực nước này.
Bộ quy tắc mới về điện hạt nhân bắt đầu được soạn thảo từ tháng 10/2012. Đối với các nhà máy thuộc phạm vi quản lý của 4 công ty điện lực đầu tiên xin thẩm định độ an toàn, các quan chức cấp cao của NRA cho biết, dự kiến sẽ phải mấy ít nhất 6 tháng cho công tác thẩm định.