Ủy ban châu Âu đề xuất cơ chế bảo đảm an toàn điện hạt nhân

Ủy ban châu Âu (EC) vừa đưa ra bản quy định an toàn hạt nhân mới, trong đó kêu gọi kiểm tra định kỳ 6 năm một lần đối với các nhà máy điện hạt nhân đang vận hành ở các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản), vấn đề an toàn được đưa lên ở mức cao nhất - Ảnh: IE

Đây là đề xuất mới được EC đưa ra từ sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản (tháng 3/2011).

Ủy viên EU phụ trách vấn đề năng lượng Gunther Oettinger cho biết, đề xuất mới đã được chuyển tới các nước thành viên EU và hy vọng các nước sẽ hoàn tất việc xem xét đề xuất này trong vòng 18 tháng tới.

Ông Oettinger khẳng định, các nước EU được quyền quyết định có sản xuất năng lượng hạt nhân hay không, song EC muốn an toàn phải là ưu tiên hàng đầu tại mỗi lò phản ứng hạt nhân trong khu vực.

Theo đề xuất mới, công tác kiểm tra các nhà máy điện hạt nhân hiện có trong EU sẽ do các thanh tra chuyên nghiệp của EU thực hiện, thay vì chỉ có các cuộc kiểm tra định kỳ 10 năm/lần do các chuyên gia từng nước thực hiện như quy định hiện hành.

Quy định mới nhằm tránh lặp lại sự cố Fukushima và lập kế hoạch đối phó trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân khẩn cấp.

Khi văn bản này có hiệu lực, những nước không tuân thủ các khuyến cáo về an toàn hạt nhân sau mỗi kỳ kiểm tra sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý và chịu sự trừng phạt từ EU.

Đề xuất mới cũng kêu gọi mỗi nước thành viên EU sở hữu nhà máy điện hạt nhân tự kiểm tra các cơ sở của mình ít nhất 10 năm một lần và tiếp tục làm việc độc lập với ngành công nghiệp hạt nhân nhằm tránh xung đột về lợi ích.

Hiện trong khu vực EU có 64 nhà máy điện hạt nhân với tổng cộng 132 lò phản ứng, đặt tại 14 quốc gia thành viên. Hai phần ba các lò phản ứng này được đặt cách xa các thị trấn có hơn 100.000 người sinh sống khoảng 15 km.


  • 18/06/2013 10:03
  • Theo TTXVN
  • 3669


Gửi nhận xét