Tại Hội thảo, ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục năng lượng Nguyên tử giới thiệu tình hình phát triển điện hạt nhân quốc gia, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân.
Tính đến tháng 10/2015, Việt Nam có 323 sinh viên được cử đi học các chuyên ngành điện hạt nhân ở Liên bang Nga, nhiều sinh viên, cán bộ Việt Nam được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ tại các nước có nền khoa học và công nghệ hạt nhân phát triển.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hợp tác với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), EU, Nhật Bản, Pháp... cử nhiều đoàn cán bộ đi khảo sát, học tập kinh nghiệm, đào tạo ngắn hạn tại các nước.
Đồng thời, cập nhật kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam tiếp tục hợp tác chặt chẽ với IAEA và các nước trong việc thực hiện Kế hoạch tổng thể nhằm mục tiêu phát triển đồng bộ, toàn diện cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia, phù hợp với hướng dẫn của IAEA và thực tiễn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bảo đảm an toàn, an ninh, hiệu quả.
Ông Phan Minh Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cũng đã nêu tổng quan về nhà máy điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đồng thời, giới thiệu chi tiết nguyên lý vận hành cơ bản của nhà máy điện hạt nhân, các đặc trưng kỹ thuật cũng như sự khác nhau giữa nhà máy điện hạt nhân và các nhà máy điện khác.
Đặc biệt, ông Phan Minh Tuấn nhấn mạnh tới 3 mục tiêu an toàn trong phát triển điện hạt nhân gồm: An toàn chung là bảo vệ các cá nhân, cộng đồng và môi trường bằng cách tạo ra và duy trì trong nhà máy sự bảo vệ hiệu quả chống lại các hiểm hoạ bức xạ; đảm bảo trong điều kiện vận hành bình thường, sự phơi nhiễm bức xạ trong phạm vi nhà máy và do sự giải phóng chất phóng xạ từ nhà máy là thấp nhất; có thể dưới các giới hạn quy định, có tính đến các yếu tố kinh tế và xã hội và đảm bảo giảm thiểu sự mở rộng phơi nhiễm phóng xạ do tai nạn.
Đáng chú ý là mục tiêu an toàn kỹ thuật, ngăn chặn các tai nạn trong nhà máy điện hạt nhân để đảm bảo rằng, đối với tất cả các tai nạn được tính đến trong thiết kế, thậm chí cả các tai nạn có xác suất xảy ra thấp, các hậu quả về bức xạ nếu có sẽ là nhỏ nhất.
Việc phát triển điện hạt nhân nhằm góp phần đảm bảo nhu cầu về an ninh năng lượng của quốc gia, đảm bảo cung cấp điện cho an ninh cũng như cung cấp điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.