Tham dự Hội thảo có nhóm các chuyên gia cấp cao về năng lượng và tài chính của World Bank (WB - Ngân hàng Thế giới), đại diện Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...
Về phía EVN có ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN, đại diện các Ban chuyên môn của EVN.
Tại Hội thảo, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nhận định, những năm qua, tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng trong lĩnh vực điện. Tuy nhiên, áp lực về tăng trưởng cũng khiến ngành Điện phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt, đối với chiến lược phát triển điện mặt trời, nhu cầu về vốn của EVN giai đoạn 2016-2020 lên tới 36 tỷ USD, nhằm phục vụ xây dựng nguồn điện và hệ thống lưới truyền tải. Đây là nguồn vốn rất lớn, trong khi thời gian huy động lại chỉ gói gọn trong 4-5 năm.
Tại Hội thảo, đại diện EVN và các chuyên gia Ngân hàng Thế giới cũng trao đổi cụ thể về cấu trúc doanh nghiệp EVN, từ đó, đưa ra các phương án tối ưu để huy động tài chính cho phát triển điện mặt trời. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đã chỉ ra những thách thức về tài chính mà ngành Điện sẽ phải đối mặt. Cụ thể, chi phí đầu tư công nghệ phát điện từ năng lượng mặt trời cao, nhưng giá bán điện lại phải có tính cạnh tranh khi so sánh với các nguồn năng lượng hóa thạch khác. Đồng thời, vốn đầu tư cần huy động quá lớn trong khi nguồn tài chính trong nước hạn chế sẽ khiến EVN phải huy động các nguồn lực nước ngoài, do đó, EVN phải đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức này, cũng như phải đối mặt với rủi ro chênh lệch tỷ giá cao...
Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri đánh giá cao một số giải pháp mà các chuyên gia WB đưa ra và cho biết, những tư vấn này rất hữu ích đối với tình hình thực tế của EVN.
Ông Đinh Quang Tri bày tỏ hy vọng, thời gian tới, Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ EVN để huy động nguồn đủ nguồn lực tài chính để phát triển điện mặt trời- nguồn năng lượng sạch, bền vững theo mục tiêu Chính phủ Việt Nam đã đề ra.