Dự hội nghị có ông Cao Quốc Hưng – Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục Năng lượng (Bộ Công Thương), ông Nguyễn Vũ Quang – Phó Cục trưởng, Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), ông Trần Kỳ Phúc – Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), ông Nguyễn Tấn Lộc – Phó tổng GĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng đại diện các Sở Ban ngành tại thành phố Hồ Chí Minh và hơn 250 đại biểu là các lãnh đạo, cán bộ quản lý công tác khoa học công nghệ, các diễn giả.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đặng Hùng – Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò của KH&CN trong ngành Điện: “KH&CN luôn là nhiệm vụ hàng đầu, giữ vai trò then chốt, là nền tảng và động lực cho phát triển nhanh, bền vững không chỉ cho các ngành công nghiệp nói chung mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với ngành Điện”.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Hùng – Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò của KH&CN trong ngành Điện.
|
Từ năm 1954 đến nay, năng lực nguồn phát của hệ thống điện Việt Nam tăng trưởng cao, trình độ KH&CN trong lĩnh vực phát điện cũng không ngừng được nâng cao. Về nhiệt điện than, EVN đã tự chủ động trong thiết kế và tiếp tục xây dựng phát triển các tổ máy 300 – 330 MW tại Uông Bí 2 (năm 2007, 2011), Quảng Ninh, Hải Phòng (năm 2009). Hiện EVN đang đầu tư xây dựng tại Nghi Sơn 1, Thái Bình 1 (dự kiến 2014, 2015).
Về nhiệt điện khí, năm 1997 EVN đã hoàn thành đầu tư vận hành 2 tổ máy tuabin khí có công suất tổ máy tăng lên là 145 MW/ tổ tại Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 2.1. Đây là bước đánh dấu chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển công nghệ điện lực của EVN. Năm 2007, EVN đã thực hiện nâng công suất tổ máy tuabin khí bằng công nghệ phun sương tại Phú Mỹ 2.1, nâng công suất chu trình hỗn hợp thêm 42 MW (2 X 21 MW). Hiện nay EVN đang tiếp tục triển khai công nghệ phun sương tại các tổ máy tuabin khí khác.
Trong lĩnh vực thủy điện, từ năm 2000 Tập đoàn Điện lực Việt Nam không ngừng nâng cao năng lực và tiến tới dần làm chủ trong việc thiết kế, xây dựng và đưa vào vận hành các công trình thủy điện lớn như: Sông Hinh 70 MW ( 2 tổ máy); Yaly 720 MW (4 tổ máy); Hàm Thuận 300 MW (2 tổ máy); Đa Mi 175 MW (2 tổ máy)… Đặc biệt là công trình thủy điện Sơn La, có tổng công suất lên đến 2.400 MW.
Về công nghệ đập thủy điện, EVN xây dựng nhiều đập thủy điện áp dụng công nghệ đập bê tông đầm lăn RCC tại nhiều công trình như: Pleikrong, A Vương, Bản Vẽ, Sơn La…là những công nghệ mới được tiếp cận tại Việt Nam. Ngoài ra, EVN còn áp dụng công nghệ đập đá đổ với bê tông bản mặt xây dựng tại một số công trình thủy điện với nhiều thiết bị chính công nghệ mới, tiên tiến. Việc này đã minh chứng cho sự trưởng thành, vững mạnh về trình độ Khoa học và công nghệ của EVN trong phát triển nguồn điện.
Năm 1995, EVN chỉ vận hành 6 nhà máy thủy điện với tổng công suất đặt là 2.804 MW, nhưng đến cuối năm 2011, EVN vận hành đến 50 nhà máy thủy điện (chưa kể thủy điện nhỏ) với tổng công suất đặt lên đến 11.773 MW.
Đối với điện hạt nhân, EVN đã và đang tích cực chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam (tại Ninh Thuận, dự kiến 2020). Đây là công trình trọng điểm của quốc gia, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.
Ngoài ra, việc phát triển KH&CN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực điện khác như trong lưới điện truyền tải và phân phối, tự động hóa, cơ khí điện lực, trong kinh doanh điện năng và dịch vụ khách hàng.
Theo định hướng phát triển KH&CN, phục vụ mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. EVN sẽ tập trung vào những mục tiêu chính như: Xác định tiêu chí lựa chọn các nhóm công nghệ điện lực, tính khả thi trong áp dụng và phát triển công nghệ tại EVN. Ưu tiên lựa chọn và ứng dụng công nghệ tiên tiến theo phương thức đi tắt đón đầu, phù hợp với trình độ phát triển của EVN và điều kiện phát triển kinhh tế xã hội. Kế thừa, triển khai tiếp tục các mục tiêu trên cơ sở giai đoạn trước và thực hiện mới…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Cao Quốc Hưng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), đánh giá cao và hoan nghênh EVN và Hội Điện lực Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Khoa học Công nghệ Điện lực năm 2012, đây là một hoạt động quan trọng và cần thiết, qua đó khẳng định vai trò của khoa học công nghệ đối với sự phát triển ngành Điện lực Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị
|
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động KH&CN ngành Điện cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, kết cấu hạ tầng phục vụ công tác nghiên cứu còn lạc hậu, chưa đồng bộ, tổ chức nghiên cứu KH&CN vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Ông Cao Quốc Hưng khẳng định, trong giai đoạn tới các hoạt động KH&CN ngành Điện cần tạo nên sự gắn kết giữa nghiên cứu và nhu cầu phát triển sản xuất – kinh doanh, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, gắn kết hoạt động KH&CN ở các cấp, từ Bộ Công Thương đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam với kế hoạch phát triển của Ngành; gắn kết chặt chẽ hơn nữa hoạt động KH&CN với yêu cầu phát triển của ngành Điện.
Tại Hội nghị, các đại biểu báo cáo tham luận nhiều đề tài, lĩnh vực thiết thực. Ngày mai 30/11, Hội nghị tiếp tục họp các phân ban Nguồn điện, truyền tải điện, phân phối và kinh doanh điện năng, đào tạo nguồn lực cho ngành Điện.