Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Buổi họp diễn ra ngày 16/3, tại Sơn La
|
Sau hơn 15 năm thực hiện Dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La, các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã hoàn thành di chuyển toàn bộ 20.340 hộ dân ra khỏi vùng ngập lòng hồ, đáp ứng được tiến độ tích nước hồ chứa, đưa Nhà máy Thủy điện Sơn La hoàn thành xây dựng vượt tiến độ 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.
Hầu hết các hộ tái định cư về nơi ở mới đã tự xây dựng nhà ở tốt hơn nơi ở cũ; các công trình cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm tái định cư đã được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân tái định cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng vùng Tây Bắc nói chung và 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nói riêng. Đời sống của người dân tại các khu, điểm tái định cư được cải thiện và nâng lên đáng kể so với trước khi di chuyển.
Dù vậy, qua kết quả điều tra, khảo sát thực tế cho thấy đời sống của người dân vẫn đang còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần nhưng còn cao, thu nhập bình quân đầu người tuy tăng so với thời điểm trước khi di chuyển nhưng vẫn thấp...
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trò chuyện với đồng bào tại bản tái định cư Tú Quỳnh, xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La - Ảnh: Xuân Tuyến
|
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện Đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La” để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm đưa Đề án vào triển khai sớm, có hiệu quả, nâng cao đời sống của đồng bào tái định cư.
Đề án này nhằm tạo sự chuyển biến nhanh về trình độ sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hoá có thu nhập cao; tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề ở nông thôn; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân sau tái định cư một cách bền vững, không còn hộ có nguy cơ tái nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.