Ông Yasuo Hamada - Tổng giám đốc JAP
|
PV: Ông cho biết, kế hoạch cụ thể của JAPC trong việc thực hiện dịch vụ tư vấn lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư NMĐHN Ninh Thuận 2?
Ông Yasuo Hamada: Qua thời gian hợp tác, trao đổi, thương thảo về nội dung công việc cần thực hiện theo quy định của luật pháp Việt Nam và quốc tế, cuối tháng 9/2011, hợp đồng đã được ký kết. Theo đó, trong vòng 18 tháng, JAPC sẽ tiến hành khảo sát thực địa tại Ninh Thuận để thu thập số liệu và phân tích, lập báo cáo gửi EVN.
Cụ thể, JAPC sẽ thực hiện nhiều loại khảo sát về khí tượng, hải văn, thủy văn, địa hình, cấu tạo địa chất, môi trường, sóng thần tại địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Với tác phong chuyên nghiệp và nghiêm túc, các chuyên gia tư vấn của JAPC sẽ hoàn thành tốt công việc, đáp ứng tiến độ và chất lượng theo đúng yêu cầu của dự án.
PV: Trước đó, trong quá trình khảo sát, các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã phát hiện các vết đứt gãy ở Ninh Thuận. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?
Ông Yasuo Hamada: Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của JAPC trong tư vấn lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và Dự án đầu tư NMĐHN Ninh Thuận 2 là khảo sát thực địa. Trên cơ sở phát hiện của các nhà khoa học địa chất Việt Nam, JAPC sẽ tiến hành khảo sát thực địa nhằm làm rõ phương vị của đứt gãy và khả năng hoạt động của đứt gẫy. Sau đó, chúng tôi sẽ đưa ra kết luận, đánh giá Ninh Thuận có thể xây dựng được nhà máy điện hạt nhân hay không?
PV: JAPC dự định có những tư vấn, hỗ trợ nào nhằm tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc như ở Nhật Bản tháng 3/2011?
Ông Yasuo Hamada: Rút kinh nghiệm từ sự cố NMĐHN Fukushima hồi tháng 3 vừa qua, Nhật Bản mong muốn giúp Việt Nam áp dụng công nghệ hiện đại nhất và an toàn nhất, góp phần quan trọng vào việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.
Trong công việc khảo sát thực địa, chúng tôi sẽ khảo sát tỷ mỉ, đầy đủ để làm rõ tình trạng cấu tạo địa chất công trình tại Ninh Thuận, từ đó đưa ra đánh giá và tư vấn các giải pháp đảm bảo NMĐHN Ninh Thuận là nhà máy an toàn nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ xem xét dựa trên những kinh nghiệm đã và đang có từ sau sự kiện ngày 11/3/2011 của Nhật Bản, tư vấn những biện pháp này cho Việt Nam.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả trong quá trình hợp tác giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty Điện nguyên tử Nhật Bản?
Ông Yasuo Hamada: Nhật Bản là đối tác chiến lược và quan trọng của Việt Nam. Trong lĩnh vực điện hạt nhân, Nhật Bản đã hợp tác nhiều mặt với EVN, từ việc cung cấp thông tin, chương trình đào tạo, tham quan học tập, quan hệ công chúng, hỗ trợ các cơ quan pháp lý, đơn vị tư vấn và chủ đầu tư, chuyển giao kỹ thuật. Các hoạt động hỗ trợ này được Chính phủ và các đối tác Nhật Bản thực hiện có hiệu quả, được Chính phủ Việt Nam nói chung và EVN nói riêng đánh giá cao.
Đặc biệt từ đầu năm 2010, Chính phủ Nhật Bản đã có thiện chí cung cấp khoản tài trợ để Công ty Điện nguyên tử Nhật Bản thực hiện dịch vụ tư vấn lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án xây dựng NMĐHN Ninh Thuận 2 Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với EVN không chỉ riêng về điện hạt nhân mà trong các lĩnh vực khác.
PV: Xin cảm ơn ông !
Dự án đầu tư Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2:
• Tổng công suất đặt: 2.000 MW (2 tổ máy x 1.000 MW)
• Địa điểm xây dựng: Xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận
• Công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại, đã được kiểm chứng, bảo đảm an toàn và hiệu quả kinh tế.
Theo hợp đồng ký kết giữa EVN và JAPC ngày 28/9/2011:
• JAPC sẽ thực hiện dịch vụ tư vấn lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư NMĐHN Ninh Thuận 2.
• Thời gian: 18 tháng.
• Chi phí: Khoảng 2 tỷ Yên; do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản trực tiếp giải ngân cho tư vấn dự án.
|