Không phải hồ thủy điện nào cũng có chức năng chống lũ

Toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức trong chiều 6/9 tại Hà Nội.

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho đồng bằng Bắc Bộ vào mùa lũ - Ảnh Hương Nhung

Ông Phạm Trọng Thực - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện nay các hồ chứa thủy điện đều có quy trình vận hành hồ chứa. Các hồ chứa nằm trong 11 lưu vực sông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa.

Đối với hồ có dung tích 1 triệu m3 trở lên, nhà máy có công suất 30 MW trở lên do Bộ Công Thương phê duyệt quy trình vận hành. Những hồ đập nhỏ hơn thì do các Sở Công Thương thực hiện.

Trong quá trình điều hành, xả lũ hoặc điều tiết lũ, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ quyết định việc đóng hay mở, xả bao nhiêu, lưu lượng như thế nào. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai quyết định vận hành đối với hồ chứa Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang.

Ông Thực cho biết thêm: Không phải hồ thủy điện nào cũng có chức năng cắt/ giảm/làm chậm lũ. Chức năng này được thể hiện ngay trong thiết kế ban đầu của mỗi hồ thủy điện. Một số hồ đập ở miền Trung do địa hình sông suối dốc, ngắn, nước chạy thẳng ra biển, nên chủ yếu những nhà máy đó tận dụng chiều cao của nước để phát điện, chứ không có dung tích phòng lũ.

Với nhà máy không có chức năng chống lũ thì toàn bộ lũ tự nhiên được chảy qua đập tràn hoặc những van cung. Nước lũ tự nhiên về bao nhiêu thì sẽ trả về dòng sông bấy nhiêu.

“Với những thông tin về việc khi có lũ lớn, một số thủy điện ở miền Trung lại xả lũ làm cho lũ lớn hơn là không chính xác. Theo tôi, cần phải giải thích để bà con hiểu thêm về nguyên lý thiết kế của các nhà máy thủy điện này”, ông Thực nhấn mạnh.


  • 07/09/2018 02:34
  • Đinh Liên
  • 18077