Kiến thức ít, chi phí nhiều
Ông Nguyễn Tố Lăng – Phó hiệu trưởng Đại học Kiến trúc (Hà Nội) cho biết, số lượng các tài liệu về kiến trúc xanh (KTX) tại Việt Nam còn thiếu và chưa được phổ cập rộng rãi. Đa phần các tài liệu lại có xuất xứ từ châu Âu hay Bắc Mỹ, nơi chủ yếu có các giải pháp chống lạnh, trong khi tại Việt Nam vấn đề chống nóng và thoát ẩm đặt lên hàng đầu.
Vướng mắc tiếp theo chính là vấn đề chi phí. Các công trình KTX có kinh phí đầu tư ban đầu nhiều hơn hẳn so với các công trình kiến trúc thông thường khác. Một chuyên gia trong ngành Xây dựng cho biết, vật liệu xây dựng dùng trong mô hình KTX do phải đáp ứng được một số yêu cầu đặc biệt, nên thường có giá thành ban đầu cao hơn hẳn vật liệu xây dựng bình thường. Chẳng hạn một công trình cao ốc sử dụng cảm ứng để điều chỉnh ánh sáng đèn thích hợp thì đầu tư ban đầu khá lớn. Càng tốn kém hơn nếu làm tường 2 lớp nhằm đạt mục đích ổn định và cách nhiệt, hay còn gọi là giảm bức xạ nhiệt, chống nóng.
Ngoài ra, mô hình KTX ở Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác như: Hệ thống hành lang pháp lý chưa được quy định rõ ràng; sự quan tâm của các nhà đầu tư trong việc lựa chọn công nghệ, vật liệu xây dựng nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu còn chưa nhiều; thiếu một hệ thống tiêu chí đánh giá công trình xanh như các nước trên thế giới.
(Ảnh minh họa)
|
Giải pháp nào?
Thạc sĩ Đinh Chính Lợi – Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng) cho biết, tháng 11/2005, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam đối với “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả”. Quy chuẩn này là văn bản pháp quy kỹ thuật, quy định yêu cầu kỹ thuật tối thiểu bắt buộc phải tuân thủ để sử dụng năng lượng có hiệu quả khi thiết kế xây dựng mới, hoặc cải tạo các công trình thương mại, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, nhà ở cao tầng, văn phòng khách sạn lớn có sử dụng điều hòa không khí, các thiết bị sử dụng nhiều năng lượng.
Nhưng qua gần 7 năm áp dụng Quy chuẩn vào thực tiễn ở một số địa phương đã bộc lộ một số vấn đề hạn chế: Một số nội dung quy định còn chưa rõ ràng, thiếu nhất quán, lại không có văn bản hướng dẫn cụ thể, nên khó áp dụng. Đội ngũ làm công tác thiết kế công trình, thẩm định, cấp phép xây dựng ở địa phương còn hạn chế về kiến thức tiết kiệm năng lượng.
Để giải quyết những vấn đề này, từ năm 2009, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam tổ chức nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các nội dung của Quy chuẩn và tiếp tục phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức nghiên cứu, đánh giá lại nội dung dự thảo, tiến hành khảo sát 57 tòa nhà tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng để làm cơ sở phân tích cho độ nhạy, lựa chọn kịch bản áp dụng. Dự kiến Quy chuẩn sẽ được hoàn thiện và ban hành vào đầu năm 2013.
Thạc sĩ, KTS Hoàng Thúc Đạo – Khoa Kiến trúc – Quy hoạch, Đại học Xây dựng (Hà Nội) cho rằng, trước những thách thức trong quá trình đô thị hóa, triển khai áp dụng mô hình KTX tại nước ta là giải pháp giúp kiến trúc Việt Nam phát triển bền vững, có bản sắc và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, một yếu tố không thể thiếu là sự thay đổi tư duy thiết kế của các kiến trúc sư, cũng như thay đổi nhận thức của cộng đồng, để từ đó mọi người đều có trách nhiệm trong việc giữ gìn môi trường sống, tiết kiệm tối đa sử dụng tài nguyên.
Ông Yannick Millet – Giám đốc điều hành, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam: Chính phủ Việt Nam cần khẩn trương có những giải pháp và thiết lập một lộ trình rõ ràng về phát triển KTX ở Việt Nam. Và việc xây dựng KTX phải phù hợp với khí hậu, văn hóa và tầm phát triển của ngành xây dựng trong nước. Điều này cũng có nghĩa Việt Nam phải biết linh động vận dụng từ lý thuyết cũng như mô hình thực tế của nước ngoài
|