Làm thế nào để đào tạo mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp?
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, làm thế nào để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp là điều cần bàn. Dưới đây là ý kiến một số lãnh đạo, cán bộ quản lý thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC): Chú trọng đào tạo công nhân bậc cao
Xác định đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Tổng công ty Điện lực miền Trung- EVNCPC đã liên tục tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cấp Tổng công ty và tại các đơn vị; cử cán bộ, công nhân, kỹ sư tham gia các khóa đào tạo do Tập đoàn tổ chức. Sau khi được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, CBCNV Tổng công ty được tiếp thu kiến thức và công nghệ mới, từ đó vận dụng những kinh nghiệm và kiến thức đã được học, đề xuất những giải pháp quản lý, giải pháp công nghệ phù hợp với thực tiễn sản xuất như, rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng, thực hiện các chỉ tiêu về độ tin cậy cung ứng điện… đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế và đời sống của người dân trên địa bàn với dịch vụ khách hàng ngày càng hoàn hảo.
Thời gian tới, EVNCPC tiếp tục thực hiện mục tiêu, nâng cao năng suất, hiệu quả và chất lượng nguồn nhân lực, trên cơ sở kiên quyết không tuyển dụng mới, tiến hành các giải pháp nhằm tận dụng một cách tốt nhất nguồn nhân lực hiện có, yêu cầu mỗi CBCNV phải đảm đương khối lượng công việc nhiều hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời, EVNCPC cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất và quản lý, tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân nâng cao trình độ cũng như tay nghề. Tuy nhiên, để công tác đào tạo mang lại hiệu quả, các cơ sở đào tạo cần được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị thí nghiệm và các mô hình mô phỏng thực tế, đáp ứng yêu cầu thực hành cho công nhân kỹ thuật. Đồng thời, cần tiến hành biên soạn lại nội dung các giáo trình, cho phù hợp với yêu cầu đào tạo trong giai đoạn KHCN phát triển không ngừng. Trong quá trình đào tạo, cần bổ sung kiến thức về kỹ thuật an toàn, đảm bảo công tác quản lý đường dây và trạm biến áp được ổn định, hiệu quả. Hiện nay, EVN cũng đang biên soạn giáo trình đào tạo công nhân bậc cao. Sau khi được ban hành, EVNCPC sẽ chuẩn hóa sao cho phù hợp với đặc thù của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, bổ sung thêm nguồn nhân lực bậc cao cho Tổng công ty. Đây cũng là nguồn nhân lực quan trọng mà EVNCPC sẽ chú trọng nâng cao chất lượng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Bá Hoài - Cán bộ phòng Phương thức, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia: “Cần chọn đúng người, đúng đối tượng cử đi đào tạo...”
Từng là sinh viên Trường đại học Uniten (Malaysia), tôi nhận thấy ưu điểm lớn nhất của việc đào tạo tại nước ngoài là môi trường học tập thân thiện, khoảng cách giữa giáo viên và sinh viên gần gũi, có thể thoải mái trao đổi mọi vấn đề về chuyên môn. Ngoài ra, chương trình học ở nước ngoài cũng chú trọng vào việc tương tác với xã hội, phát triển các kỹ năng mềm giúp sinh viên tốt nghiệp tự tin trong môi trường công việc sau này.
Mặc dù tốt nghiệp loại giỏi, nhưng sau khi về Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, những yêu cầu khắt khe trong công việc đòi hỏi chúng tôi phải liên tục bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng làm việc. Song song với chương trình đào tạo chức danh từ 18 đến 24 tháng, tôi còn được tham gia khóa đào tạo “Tính toán ổn định hệ thống điện tại Canada” (tháng 10/2013). Những kiến thức học tập ở nước bạn là cơ sở để tôi vận dụng linh hoạt, xây dựng phương thức vận hành hợp lý cho hệ thống điện Việt Nam.
Có thể khẳng định rằng, hệ thống điện Việt Nam liên tục mở rộng và phát triển rất nhanh. Vì vậy, công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các kỹ sư tính toán nói riêng và kỹ sư điều độ hệ thống điện quốc gia là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, để công tác này không chỉ mang tính hình thức mà lấy hiệu quả làm trọng tâm, đòi hỏi lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải chọn đúng người, đúng đối tượng tham gia phù hợp với mục đích đào tạo của từng khóa. Người được cử đi đào tạo phải có thái độ và trách nhiệm cao, phải không ngừng tự bồi dưỡng, rèn luyện và học tập để nâng cao kiến thức và năng lực chuyên môn. Bên cạnh đó, cần tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm với các đối tác nước ngoài. Đây sẽ là bài học quý báu để các cán bộ, kỹ sư có thể vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện Việt Nam.
Ông Đặng Hữu Nguyện – Kỹ sư cơ khí, Phân xưởng Cơ - Điện, Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương: “Xây dựng chương trình đào tạo bài bản”
Đối với cán bộ kỹ thuật trực tiếp vận hành và bảo dưỡng nhà máy thủy điện thì công tác đào tạo, tập huấn rất quan trọng, đặc biệt đối với bộ phận chuẩn bị tiếp nhận quản lý, vận hành. Kiến thức thu được trong nhà trường phần lớn còn mang tính lý thuyết, chung chung, sinh viên chưa thể hình dung hết về thiết bị, hệ thống công nghệ tạo thành một tổ máy thủy điện. Khi tham gia khóa đào tạo, cán bộ kỹ thuật được tiếp xúc thực tế và thực hành, từ đó có thể vận dụng lý thuyết đã học vào sản xuất; nắm bắt được các sơ đồ vận hành, nguyên lý làm việc, phương thức thức vận hành hay bảo dưỡng hệ thống công nghệ trong nhà máy. Qua khóa đào tạo, tập huấn cán bộ kỹ thuật còn nắm bắt được cách tổ chức làm việc trong ca kíp vận hành và các đội công tác của lực lượng sửa chữa thiết bị.
Tuy nhiên, để có được một kết quả đào tạo tốt, trước hết đơn vị chủ trì đào tạo phải xây dựng chương trình đào tạo có bài bản, chi tiết, phù hợp với công việc sau này; phải kết hợp giữa lý thuyết, công nghệ với thực tiễn thực hành, trong đó phần thực hành cần phải được chú trọng. Bên cạnh đó, chọn đơn vị đào tạo có uy tín, đội ngũ cán bộ kỹ thuật giỏi, có nhiều kinh nghiệm, cơ sở vật chất đảm bảo thực hành; giám sát thường xuyên trong quá trình đào tạo, từ đó biết được khả năng, năng lực của từng người để phân giao nhiệm vụ công tác phù hợp.
Ngoài ra, không kém phần quan trọng là lòng yêu nghề từ bản thân mỗi kỹ sư, công nhân được cử đi tập huấn, tìm tòi học hỏi tiếp thu những công nghệ mới từ đó làm chủ được thiết bị, công nghệ… nâng cao năng lực bản thân để phục vụ tốt hơn cho công việc.