Lấy ý kiến chuyên gia, nhà quản lý về cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện

Ngày 22/9, Cục điều tiết Điện lực và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Hội thảo Dự thảo Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Tại Hội thảo, đa số các ý kiến đều cho rằng, nên thiết kế biểu giá bán lẻ điện theo bậc thang, tuy nhiên, số bậc giá và khoảng cách giữa các bậc cần điều chỉnh sao cho hợp lý.

Tới dự Hội thảo Dự thảo Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện có ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương, đại diện các Bộ, ban, ngành, hiệp hội liên quan, đại diện người tiêu dùng điện tại các địa phương khu vực phía Bắc.

Về phía Tập đoàn Việt Nam có ông Phạm Mạnh Thắng - Thành viên HĐTV EVN, ông Đinh Quang Tri – Phó tổng giám đốc EVN - chủ trì Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc EVN cho biết, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình phát triển thị trường điện lực Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh, thị đường bán buôn cạnh tranh và thị trường bán lẻ cạnh tranh. Do đó, cần thiết phải cải tiến đồng bộ, toàn diện cơ cấu biểu giá điện để phù hợp với sự phát triển của thị trường điện lực theo từng cấp độ.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Đại diện đơn vị tư vấn (Công ty TNHH Tư vấn Quản lý và Phát triển Việt Nam – CMD) cho biết, việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán điện là rất cần thiết. Mục tiêu cải tiến biểu giá bán điện nhằm khắc phục bất cập của biểu giá điện hiện tại để có một biểu giá điện đơn giản, phù hợp với thực tế sử dụng điện ở nước ta, tạo thuận lợi trong quản lý, theo dõi, kiểm tra của người sử dụng điện. Bên cạnh đó, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Việc cải tiến biểu giá bán điện cũng nhằm thực hiện lộ trình để đưa cơ cấu biểu giá điện phù hợp với các bước phát triển của thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tiến tới vấn hành giá điện theo cơ chế thị trường.

Hội thảo Dự thảo Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại Hà Nội - Ảnh: Minh Hạnh

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Thỏa đã trình bày 3 phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, đồng thời phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án. Theo đó, phương án 1: Giữ nguyên 6 bậc như hiện hành. Phương án 2: Quy định 1 mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá 1.747 đồng/kWh). Phương án 3: Rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc xuống 3 bậc hoặc 4 bậc.

Với Đề án Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện này, các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý... Hầu hết các ý kiến đều nhất trí cần thực hiện giá bán điện theo bậc thang. Tuy vậy, số bậc thang và khoảng chênh lệch giá giữa các bậc thang cần tính toán sao cho hợp lý.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, điện năng là một mặt hàng đặc thù, được sản xuất từ những nhiên liệu không tái tạo, hiện nhu cầu về điện Việt Nam cao hơn nguồn cung, do vậy cần khuyến khích tiết kiệm điện. Không nên dùng phương án tính đồng giá, mà cần sử dụng bậc thang lũy tiến để áp giá điện. Tuy vậy, việc thiết kế bao nhiêu bậc giá, và độ giãn của các bậc giá cần phải hợp lý đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng điện.

Theo ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, không thể có phương án giá điện nào có thể làm hài lòng tất cả người sử dụng điện. Trên quan điểm cá nhân, ông đồng tình với phương án tính giá điện bậc thang, nhưng nên giảm số bậc giá điện còn 3 - 4 bậc, giảm bớt sự phức tạp trong cách tính giá. Đồng thời, khoảng cách giữa các bậc thang giá điện không nên quá chênh lệch.

Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khẳng định, hiện nay không khuyến khích người dân sử dụng nhiều điện, mà khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Việc thiết kế biểu giá bán điện nên chia điện theo bậc thang lũy tiến. Tuy vậy, khi xây dựng biểu giá bán điện phải đảm bảo lợi ích của các hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách xã hội..., nhằm đảm bảo thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt được thiết kế theo định hướng: Đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh; đảm bảo thuận lợi cho hộ sử dụng điện cũng như thuận lợi cho quản trị doanh nghiệp, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, và công bằng xã hội; giảm bù chéo giữa các đối tượng khách hàng; nghiên cứu xem xét, lựa chọn hợp lý số bậc thang của khách hàng sinh hoạt, thu hẹp khoảng cách giá điện áp dụng tương ứng từng bậc thang.

Sau Hội thảo này, các hội thảo tiếp theo sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh để tiếp nhận ý kiến của các chuyên gia và người dân về Dự thảo Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Phân tích về các phương án giá điện của đơn vị tư vấn

(Công ty TNHH Tư vấn Quản lý và Phát triển Việt Nam - CMD)

Phương án 1: Giữ nguyên 6 bậc như hiện hành:

Phương án này không làm đảo lộn các mức giá hiện nay, thực hiện được chính sách giá điện là khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả với loại tài nguyên không tái tạo trong điều kiện cung sản xuất  trong nước chưa đáp ứng đủ cầu.

Tuy nhiên, phương án này còn khó khăn trong quản lý, ghi chỉ số công tơ, thanh toán tiền điện với khách hàng. Người tiêu dùng điện khó tính toán trong việc sử dụng theo bậc thang hàng tháng của mình. Ngoài ra, khoảng chênh lệch giá giữa một số bậc thang là khá cao, dẫn đến có những thời gian nhu cầu tiêu thụ điện tăng thì tốc độ tăng tiền điện thanh toán cao hơn so với tốc độ lượng điện sử dụng.

 Phương án 2: Quy định 1 mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá 1.747 đồng/kWh):

Ưu điểm của phương án này là giá điện minh bạch, rõ ràng, dễ áp dụng, dễ quản lý, kiểm tra và giám sát. Đồng thời, tạo điều kiện cải tiến khâu kinh doanh bán điện về công tác ghi chỉ số công tơ, từng bước thực hiện cơ chế thị trường, xóa bỏ việc thực hiện chính sách xã hội qua giá và thay bằng chính sách khác.

Tuy vậy, việc tính điện đồng giá sẽ gây ra tác động đến các hộ dùng điện. Cụ thể, những gia đình dùng ít, trung bình khoảng dưới 240 kWh/tháng sẽ tăng tiền điện trả hàng tháng, các gia đình dùng khoảng 300 kWh/tháng trở lên thì tiền điện trả hàng tháng sẽ giảm, tức là dùng càng nhiều càng lợi. Ngoài ra, với cách tính này, áp lực về sử dụng tiết kiệm điện tuy vẫn có, nhưng không cao bằng phương án biểu cơ cấu giá điện lũy tiến bậc thang.

Phương án 3: Rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc xuống 3 bậc hoặc 4 bậc:

Phương án này sẽ khắc phục phần lớn những khuyết điểm của phương án 1, 2 và vẫn thực hiện được chính sách giá điện theo quy định của Luật Điện lực.

Tuy nhiên, khi áp dụng phương án 3, sẽ vẫn còn bất cập về quản lý của việc ghi chỉ số công tơ. Đồng thời, phải chấp nhận khoảng cách chênh lệch giữa các mức giá cao hơn trước do rút ngắn bậc thang mà vẫn phải đảm bảo giá điện bình quân hiện hành.

 


  • 22/09/2015 01:08
  • Minh Hạnh
  • 3381


Gửi nhận xét