Lấy ý kiến về việc sửa đổi cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió

Sáng 10/7, Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan hợp tác phát triển Đức tổ chức "Hội thảo lấy ý kiến về việc sửa đổi cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam". Hội thảo đã thu hút hơn 100 đại biểu là các nhà đầu tư, chuyên gia và đại diện các ngành liên quan tham gia đóng góp ý kiến.

Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 tổng công suất điện gió đạt 1000 MW, điện sinh khối đạt khoảng 500 MW, và đến năm 2030 tổng công suất điện gió đạt khoảng 6200 MW, điện sinh khối đạt khoảng 2000 MW. Với công suất như vậy, điện năng từ sản xuất từ nguồn điện gió sẽ chiếm tỷ lệ 0,7% vào năm 2020 và tăng lên khoảng 2,4% năm 2030 và điện sinh khối sẽ chiếm tỷ trọng từ 0,6% năm 2020 tăng lên 1,1 % vào năm 2030.

Khai thác nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Việt Nam - Ảnh st

Trong bối cảnh đó, ngày 29/6/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam cũng như cơ chế về giá phát điện cho điện gió cũng được ban hành. Theo tinh thần Quyết định 37, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng chính phủ về quy hoạch phát triển điện gió quốc gia và phối hợp với ủy ban nhan dân các tỉnh tổ chức xây dựng và phê duyệt phát triển quy hoạch điện gió của các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận và Sóc Trăng.

Theo ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng: Thị trường năng lượng Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào giá năng lượng của thế giới. Trong bối cảnh này, việc xem xét khai thác nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Việt Nam cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Chính vì vậy, sau hơn 3 năm thực hiện Quyết định 37/2011/QĐ -TTg, Tổng cục Năng lượng, các cơ quan liên quan cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia đã thực hiện được việc đánh giá triển khai cơ chế hỗ trợ điện gió tại Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cơ hội nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh cơ chế hỗ trợ, nhằm đảm bảo giá điện gió đủ bù đắp chi phí và lợi nhuận phù hợp với nhà đầu tư.

Trong khuôn khổ Hội thảo, nhóm tư vấn của Cơ quan hợp tác quốc tế Đức và Viện Năng lượng đã đưa ra mục đích, phạm vi của Báo cáo nghiên cứu đề xuất sửa đổi Quyết định 37 cũng như phương pháp tiến hành, các kiến nghị và đề xuất sửa đổi cơ chế hỗ trợ điện gió tại Việt Nam. Bộ Công Thương, Tổng cục Năng lượng đã ghi nhận nhiều ý kiến phản hồi của các bên liên quan nhằm xây dựng chính sách điện gió của Việt Nam ngày càng hiệu quả.


  • 10/07/2014 03:22
  • Vương Thủy
  • 24856


Gửi nhận xét