Đập dâng thủy điện Lai Châu được thiết kế bằng bê tông đầm lăn (RCC) với chiều cao 137m, khối lượng 1,866 triệu m3, công suất lắp máy 1200 MW (3 tổ máy x 400 MW/tổ máy), điện lượng trung bình 4,692 tỷ kWh.
Công trình được khởi công tháng 1/2011, đến nay các hạng mục đã cơ bản hoàn thành, đang bám sát mục tiêu đóng cống dẫn dòng tích nước hồ chứa vào tháng 6/2015, phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm 2015, hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2016.
Thủy điện Lai Châu dự kiến phát điện sớm hơn 1 năm so với kế hoạch được Nhà nước phê duyệt.
|
Đập bê tông RCC là công nghệ mới được áp dụng tại Việt Nam với những ưu điểm như vữa được sản xuất trên dây chuyền đồng bộ khép kín hiện đại nên hoàn toàn kiểm soát được chất lượng, các khâu vận chuyển, san rải có thể thi công 100% bằng cơ giới nên năng suất rất cao. Đặc biệt là quá trình thủy hóa tạo cường độ kéo dài nên có thể phân khối đổ lớn, rút ngắn được tiến độ thi công công trình.
Dự án thuỷ điện Sơn La được chủ đầu tư và Tổng thầu giao cho các đơn vị Sông Đà 5, Sông Đà 9 thi công 2,677 triệu m3 RCC trong thời gian 31,5 tháng, cường độ trung bình 85.000m3/tháng, cường độ lớn nhất 200.000m3/tháng. Thuỷ điện Sơn La được xếp hạng là đập RCC, có khối lượng lớn thứ 4 và tốc độ thi công nhanh thứ 7 trên thế giới. Năm 2013 được Tạp chí Năng lượng châu Á trao giải Vàng cho danh hiệu “Nhà máy điện triển khai nhanh của năm”.
Với thủy điện Lai Châu, kế thừa và phát huy thành tích, kinh nghiệm tại thủy điện Sơn La, các đơn vị Sông Đà 5, Sông Đà 9 đã hoàn thành thi công 1,886 triệu m3 bê tông RCC trong thời gian 26 tháng, cường độ không cao như tại Thủy điện Sơn La nhưng đã tiết kiệm được nhiều chi phí cho dự án vì kiểm soát tốt bề mặt xử lý lớp tiếp giáp giữa các lần đổ, khối đổ. Bố trí dây chuyền tổ chức thi công hợp lý, tối ưu hóa v.v... Việc này tạo tiền đề cho dự án đẩy nhanh tiến độ, dự kiến phát điện sớm hơn 1 năm so với kế hoạch được Nhà nước phê duyệt.
Với những kết quả đã đạt được thông qua các công trình lớn như thủy điện Sơn La, Lai Châu, một lần nữa khẳng định trình độ khoa học, kỹ thuật của đội ngũ kỹ sư, công nhân lao động Việt Nam có thể nhanh chóng tiếp cận, làm chủ được những công nghệ thi công hiện đại, tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.