Luật sử dụng năng lượng và hiệu quả: Cơ sở pháp lý hữu hiệu để triển khai tiết kiệm năng lượng

Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (NLTK&HQ) chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Thế giới điện có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hiệp - Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ Công Thương về vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết sự cần thiết ban hành Luật?

Ông Nguyễn Đình Hiệp - Vụ trưởng Vụ KH-CN, Bộ Công Thương - Ảnh: NT

Ông Nguyễn Đình Hiệp: Việc Luật sử dụng NLTK&HQ chính thức có hiệu lực thi hành sẽ khắc phục được những bất cập của những Nghị quyết, Quyết định, Nghị định trước đây về định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050 như: hiệu lực của văn bản chưa cao, các biện pháp đề ra trong Nghị định chủ yếu mang tính khuyến khích, chưa có chế tài đủ mạnh. Các thể chế tài chính chưa được hình thành để khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động sử dụng NLTK&HQ. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại trung ương và địa phương còn bất hợp lý, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý và thúc đẩy hoạt động sử dụng NLTK&HQ…

Luật này quy định về sử dụng NLTK&HQ, chính sách, biện pháp thúc đẩy sử dụng NLTK&HQ, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong sử dụng NLTK&HQ.

PV: Các đối tượng áp dụng Luật?

Ông Nguyễn Đình Hiệp: Luật này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, các cá nhân sử dụng năng lượng tại Việt Nam.

PV: Một trong những nội dung quan trọng của Luật là quy định dán nhãn năng lượng. Việc dán nhãn này được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Hiệp: Các phương tiện, thiết bị thuộc danh mục dán nhãn năng lượng  đều phải dán nhãn trước khi đưa ra thị trường, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu phương tiện, thiết bị thực hiện việc dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng. Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng này chỉ được cấp sau khi phương tiện, thiết bị đã được thử nghiệm phù hợp với tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tại phòng thử nghiệm. 

PV: Hiện nay, việc sử dụng năng lượng trong lĩnh vực xây dựng còn nhiều bất cập. Vậy Luật đưa ra những quy định hay biện pháp gì để khắc phục?

Luật sử dụng NLTK&HQ:

- Được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010

- Chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2011.

- Bao gồm 12 chương và 48 điều

- Là công cụ và cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên phạm vi toàn quốc.

Ông Nguyễn Đình Hiệp: Trong hoạt động xây dựng, nên áp dụng các giải pháp quy hoạch và thiết kế kiến trúc phù hợp với điều kiện tự nhiên nhằm giảm tiêu thụ năng lượng sử dụng cho chiếu sáng, thông gió, làm mát, sưởi ấm. Sử dụng và lắp đặt các phương tiện, thiết bị có hiệu suất năng lượng cao được thiết kế, sản xuất phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn nước ngoài về mức hiệu suất năng lượng.

Áp dụng những hệ thống quản lý, điều khiển tự động để vận hành phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phù hợp với quy mô công trình. Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng NLTK&HQ đối với công trình xây dựng…

PV: Luật có yêu cầu hay hạn chế gì đối với việc sử dụng NLTK&HQ trong hộ gia đình, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Hiệp: Nhà nước khuyến khích hộ gia đình thực hiện các biện pháp sử dụng NLTK&HQ như: Thiết kế, xây dựng nhà ở có khả năng tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên. Sử dụng vật liệu cách nhiệt, thiết bị gia dụng là sản phẩm tiết kiệm

năng lượng, tăng cường sử dụng phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo. Hạn chế sử dụng thiết bị điện công suất lớn, tiêu thụ nhiều điện năng vào giờ cao điểm. Xây dựng nếp sống, thói quen tiết kiệm năng lượng trong sử dụng thiết bị chiếu sáng và gia dụng.

PV: Làm thế nào để Luật sử dụng NLTK&HQ sớm đi được vào đời sống, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Hiệp: Để Luật sử dụng NLTK&HQ sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ sẽ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị phải thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhất là các giải pháp huy động vốn, đào tạo nhân lực, hỗ trợ khoa học công nghệ…

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 01/01/2011 05:19
  • Ngọc Tuấn (thực hiện)
  • 4041