|
Ông Mai Phương Thảo "khoe" chiếc tủ lạnh sẽ được gia đình sử dụng vào cuối tháng 9/2014 - Ảnh: Phan Trang |
Ước mơ sắp trở thành hiện thực
Những ngày đầu tháng 9, trong khi hơn 26 km cáp ngầm thuộc Dự án cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn ngày ngày được rải xuống giữa lòng biển khơi thì cách đó chừng 30 km, nơi đảo xa Lý Sơn người dân đang đếm ngược từng ngày chờ nguồn điện quốc gia.
Dẫn chúng tôi vào thăm ngôi nhà đơn sơ, ông Mai Phương Thảo – thôn Đông, xã An Hải cho biết, từ đời cố tới cha, đời ông đều gắn bó với mảnh đất Lý Sơn này. Khi điện trên đảo chỉ có 6 giờ mỗi ngày, cuộc sống của ông chỉ còn biết bám chặt với từng “nhánh hành, nhánh tỏi”, khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Chiếc tivi cũ là vật duy nhất có giá trị nhưng lúc nào cũng trong tình trạng phủ khăn kín mít. Ông Thảo tâm sự: “Điện lúc có lúc không nên tôi không dám dùng, sợ hỏng. Nhưng giờ đây, ước mơ được sử dụng điện ổn định sắp trở thành hiện thực”.
Không giấu được niềm vui, ông Thảo vội vàng “khoe” chiếc tủ lạnh mà người con cả vừa gửi về từ TP.HCM. Ông cho biết, có điện 24/24 giờ, chúng tôi mới dám mơ tới việc sử dụng các thiết bị điện như ti vi, tủ lạnh.
Với diện tích khoảng 10 km2, Lý Sơn là một trong những huyện đảo có số dân đông nhất cả nước, gần 22.000 hộ gia đình. Tìm đến nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Phẩm ở thôn Đông, xã An Vĩnh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi đã ở ngoài 90 nhưng mẹ vẫn còn khá minh mẫn.
Mẹ Phẩm rưng rưng: “Chồng và người con trai duy nhất đều đã hy sinh trên mảnh đất Lý Sơn này. Mẹ cũng từng là chiến sĩ cách mạng. Cả cuộc đời, khó khăn nào mẹ cũng đã trải qua. Ở cái tuổi gần đất xa trời này, mẹ chỉ mong có điện hàng ngày để các cháu, chắt được học bài”. Trong lời kể như tiếng nấc nghẹn vì xúc động ấy, chúng tôi đã kịp cảm nhận được niềm vui bình dị của một người mẹ đã hy sinh cả cuộc đời vì quê hương.
Đảo xa thay “áo” mới
Khi ước mơ có điện 24/24 giờ ngày càng được “định hình” rõ nét, cuộc sống của người dân trên huyện đảo Lý Sơn cũng từng bước “thay da đổi thịt”. Chị Võ Thị Vân - chủ cửa hàng thiết bị điện tại thôn Đông, xã An Vĩnh cho biết: “Mức độ tiêu thụ tủ lạnh tại cửa hàng đã tăng gấp 3 – 4 lần, đặc biệt trong 2 tháng trở lại đây”.
Tại cơ sở sản xuất nước đá, nước uống đóng chai Hưng Long, trung bình mỗi ngày sản xuất khoảng 300 cây đá. Tuy nhiên, do chỉ có điện 6 giờ mỗi ngày nên không thể sử dụng điện cho sản xuất. Thay vào đó, mỗi tháng cơ sở sản xuất Hưng Long phải tiêu thụ khoảng 7.000 lít dầu, với mức giá 23.000 đồng/lít, kéo theo giá thành sản phẩm tương đối cao, 38.000 đồng/cây.
Ông Võ Văn Hạnh – chủ cơ sở sản xuất nước đá, nước uống đóng chai Hưng Long cho hay: “Khi có điện lưới quốc gia với giá rẻ và ổn định, chắc chắn giá mỗi cây đá có thể giảm xuống khoảng 10.000 đồng/cây, để mọi người dân có thể sử dụng nước đá, nước uống của cơ sở”.
|
Công nhân Điện lực Lý Sơn kiểm tra hệ thống điện trên huyện đảo trước khi kết nối với điện lưới quốc gia - Ảnh: Phan Trang |
Không chỉ có cuộc sống của người dân thay đổi mà diện mạo của huyện đảo Lý Sơn cũng sẽ được “khoác” lên mình “bộ áo” mới khi có điện lưới quốc gia. “Ước mơ bao năm nay của tỉnh Quảng Ngãi và huyện đảo Lý Sơn sắp trở thành hiện thực. Có điện sẽ tạo điều kiện cho Lý Sơn phát triển mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, bà con ngư dân yên tâm ra khơi bám biển và làm giàu đẹp thêm cho biển đảo quê hương...”- Bà Đinh Thị Loan, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tin tưởng.