Miền Nam có thể thiếu điện từ năm 2017

Bộ Công Thương cho rằng nếu không xây thêm nhà máy điện mới, hoặc không đẩy nhanh tiến độ các nhà máy Long Phú I, Duyên Hải III… hoàn thành  trước năm 2018, miền Nam sẽ rơi vào tình trạng thiếu điện.

Báo cáo tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 27 - 28/8, Bộ Công Thương cho biết 6 tháng đầu năm, sản lượng điện thương phẩm đạt 55,63 tỷ kWh, tăng 10,13% so với cùng kỳ năm 2012. Dự báo, điện thương phẩm cả năm đạt 117 tỷ kWh, tăng 11,07% so với 2012. Điện sản xuất đạt 130,53 tỷ kWh, tăng khoảng 11% so với 2012.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, nếu không có sự cố đột xuất, ngành Điện hoàn toàn đảm bảo được nguồn cung cho nền kinh tế đến năm 2016. Sau giai đoạn này, nhu cầu điện ở miền Nam khó được đáp ứng do thiếu hụt.

Bộ Công thương dự kiến miền Nam sẽ thiếu điện từ năm 2017 - Ảnh: Iyaly

Theo tính toán của Bộ Công Thương, năm 2017 sản lượng điện miền Nam thiếu hụt khoảng 228 triệu kWh (bằng 0,21% tổng nhu cầu toàn miền Nam). Năm 2018 thiếu 2,7 tỷ kWh. Tình trạng này diễn ra tất cả các tháng trong năm, đặc biệt là các tháng 3,4,5. Sang năm 2019, con số thiếu hụt là 1,1 tỷ kWh.

Cùng thời điểm trên miền Bắc và miền Trung lại dư thừa điện, song nhu cầu truyền tải điện từ Bắc vào Nam vượt giới hạn ổn định vận hành của các đường dây 500 kV. Điều này dẫn tới khả năng xảy ra sự cố rất cao, đặc biệt là đoạn đường dây liên kết miền Bắc và miền Trung chạy qua các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng.

Để khắc phục, Bộ Công Thương cho rằng, cần phải bổ sung khẩn cấp để đưa vào vận hành trước năm 2017 khoảng 1.500 MW công suất nguồn điện mới. Trên cơ sở đó, Bộ đề xuất ba phương án xin ý kiến của Thủ tướng. Trong đó, khả thi nhất là đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà máy điện khu vực miền Nam gồm Long Phú I, Duyên Hải III và nhiệt điện Vĩnh Tân IV.

Cụ thể, Bộ Công Thương xin Chính phủ giao Tập đoàn Dầu khí (PVN) đẩy nhanh tiến độ đàm phán ký kết hợp đồng với tổng thầu EPC nhà máy điện Long Phú I để đảm bảo đưa vận hành tổ máy I tháng 12/2017 và tổ máy II tháng 6/2018. Đồng thời, giao Tập đoàn Điện lực (EVN) đẩy nhanh tiến độ dự án Duyên Hải III, và đầu tư mở rộng để vận hành vào tháng 12/2017. Để đạt được tiến độ, cho phép EVN triển khai ngay dự án theo phương án đàm phán trực tiếp để nhân đôi tổng thầu EPC của Duyên Hải III. EVN chủ động đề xuất cơ chế đặc biệt, cấp bách nhất là thu xếp vốn cho dự án trình Thủ tướng phê duyệt.

Đối với dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân IV, để đảm bảo tiến độ vận hành của dự án vào năm 2017 - 2018 theo Quy hoạch điện 7 (QHĐ7), yêu cầu EVN xây dựng cơ chế cấp bách cho dự án trình Bộ Công Thương xem xét báo cáo Thủ tướng phê duyệt.

Cùng với các cơ chế trên, Bộ cũng xin ý kiến Thủ tướng giao cơ quan này phê duyệt, hiệu chỉnh các dự án truyền tải điện thuộc QHĐ7, đảm bảo vận hành đồng bộ với các dự án đã được điều chỉnh tiến độ.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nếu làm được các công việc trên, cơ bản năm 2017-2019 khu vực miền Nam không thiếu điện. Ngoài ra, Bộ cũng tính toán có thể tăng truyền tải điện từ miền Bắc vào nhưng thực tế rủi ro lớn hơn, nên cần thêm một phương án an toàn, xin phép Thủ tướng xây dựng trạm 500 kV tại Pleiku (Gia Lai).

Báo cáo cụ thể thêm một số vấn đề lớn về nguồn điện, nhiên liệu sơ cấp và nhập khẩu điện, theo Bộ Công Thương, tại miền Bắc, có một số dự án nguồn điện không xác định được tiến độ, có nhiều rủi ro trong xây dựng, đề nghị đẩy lùi sang giai đoạn quy hoạch như nhà máy điện Phú Thọ, Bắc Giang, Lục Nam 2… Còn tại miền Trung, không xem xét bổ sung thêm hoặc đẩy nhanh tiến độ các nguồn nhiệt điện than lớn mới khác như Vân Phong 2, Bình Định, do khả năng xuất hiện một số nhà máy tua bin khí sử dụng khí mỏ Cá Voi Xanh sau 2021 tại khu vực Quảng Ngãi hoặc Quảng Nam và do hạn chế năng lực truyền tải của lưới điện liên kết.

Đối với miền Nam, một số nguồn điện lớn không thể vận hành đúng tiến độ quy hoạch cần kiên quyết đưa sang giai đoạn quy hoạch sau để tránh rủi ro gồm nhà máy điện Ô Môn 2,3 và 4 (sau 2023), Trung tâm điện lực Kiên Lương (sau 2023). Nhà máy nhiệt điện Hạt nhân Ninh Thuận lùi tiến độ vào vận hành 3 năm so với dự kiến (sau 2023).

Bộ Công thương cho biết, theo tính toán sẽ không đưa vào cân đối về khả năng nhập khẩu điện của Trung Quốc trước năm 2020. Đối với nguồn điện từ Lào chỉ hạn chế, đưa vào cân đối thủy điện Sekaman 1,3 và Nậm Mô (tổng công suất 650 MW). Việt Nam cũng không xem xét nhập khẩu điện từ Campuchia.


  • 01/09/2013 01:59
  • Theo Vnexpress
  • 2817


Gửi nhận xét