“Mổ xẻ” chuyện giá năng lượng theo cơ chế thị trường

Quy hoạch phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là trong bối cảnh an ninh năng lượng đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia như hiện nay là đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. “Một trong những động lực căn bản nhất để thúc đẩy phát triển ngành năng lượng (nói chung) tại nước ta chính là việc xây dựng chính sách giá năng lượng theo cơ chế thị trường” - Đó là khẳng định của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Duệ - Chủ nhiệm Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA).

Hướng tới những mục tiêu lớn

Tại hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển thị trường năng lượng Việt Nam” do Ban kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương và VEA phối hợp tổ chức, hầu hết các chuyên gia kinh tế và năng lượng cũng đồng tình với quan điểm này. Từ những phân tích về hệ thống năng lượng, quy hoạch từng phân ngành năng lượng hiện nay, cũng như thực tế giá năng lượng và những bất cập, tồn tại trong thời gian qua, vấn đề định hướng xây dựng chính sách giá năng lượng trong cơ chế thị trường được xem là một trong những nội dung quan trọng nhất để thúc đẩy sự phát triển của thị trường năng lượng Việt Nam.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Minh Duệ nêu quan điểm: Chính sách giá năng lượng nói chung, giá điện nói riêng cần được xây dựng phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội, chiến lược và quy hoạch năng lượng quốc gia.

Các dạng năng lượng cụ thể như xăng, dầu, khí, than và điện là những sản phẩm hàng hóa đặc biệt được sử dụng rộng rãi trong đời sống và sản xuất, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội quốc gia. Vì vậy, chính sách giá năng lượng không thể tách rời chính sách, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn của đất nước. Một khi giá năng lượng được xây dựng có hệ thống, hài hòa thông qua quy hoạch năng lượng tổng thể, hệ thống giá được xây dựng dựa trên biên dài hạn (đặc biệt là đối với giá điện) sẽ trở thành công cụ điều hòa các hoạt động ngành năng lượng và nền kinh tế, góp phần thúc đẩy thị trường năng lượng phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, giá năng lượng phải kết hợp hài hòa các mục tiêu: Hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và khả thi về tài chính.

Giá năng lượng nên được quyết định bởi cơ chế thị trường. Ảnh: st

Giá năng lượng cần cân bằng các lợi ích

Giáo sư Duệ nhận định, trước hết, giá năng lượng hợp lý sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp và toàn xã hội. Mặt khác, ngoài mục tiêu kinh tế, mục tiêu xã hội cũng cần được tính toán kỹ. Trên thực tế, mục tiêu công bằng xã hội liên quan đến vấn đề phúc lợi xã hội và phân phối thu nhập, thường được thể hiện thông qua trợ giá năng lượng đặc biệt đối với những hộ dân nghèo, vùng sâu vùng xa hay các gia đình có công, gia đình chính sách. Tuy nhiên, đây là nội dung gây khá nhiều tranh cãi. Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nếu đã để giá năng lượng, đặc biệt là giá điện, phát triển theo cơ chế thị trường, thì nên loại bỏ các yếu tố cản trở tính thị trường như trợ giá, “giá chính sách” hay cơ chế bù chéo về giá. “Chúng ta vẫn có thể thực hiện các chính sách xã hội nhưng thông qua con đường khác, ví dụ như hỗ trợ trực tiếp, chứ không nên trợ giá để tránh làm méo mó các yếu tố thị trường” – ông Thành nhấn mạnh.

Tính khả thi về tài chính trong định hướng xây dựng giá năng lượng nhằm đảm bảo cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh năng lượng có nguồn thu tài chính đủ duy trì đầu tư, đảm bảo phát triển bền vững và an ninh năng lượng quốc gia được xem là mục đích quan trọng mà định hướng xây dựng chính sách giá năng lượng cần đạt được.

Đặc biệt, chính sách giá năng lượng cũng cần được xem như là đòn bẩy của sản xuất, là công cụ quan trọng quản lý nhu cầu bảo tồn năng lượng và bảo vệ môi trường. Bởi sử dụng và bảo tồn năng lượng một cách hợp lý, hài hòa, minh bạch sẽ thúc đẩy tiết kiệm tài nguyên năng lượng, thực hiện phát triển xanh, phát triển bền vững năng lượng. Theo phân tích của các chuyên gia, chính sách giá năng lượng cũng phải được xây dựng trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa thị trường trong nước với thị trường thế giới. Nguyên nhân là do nước ta hiện đã có quan hệ xuất – nhập khẩu năng lượng với khá nhiều nước trên thế giới, nên giá năng lượng sẽ chịu tác động lớn của sự lên/xuống theo giá thế giới.

Và nguyên tắc chung nhất, theo quan điểm của nhiều chuyên gia, dù chính sách giá năng lượng được xây dựng theo cơ chế thị trường, nhưng vai trò của nhà nước vẫn phải được đề cao trong việc xác lập, kiểm tra và kiểm soát việc thực hiện chính sách giá năng lượng nói chung. Nguyên tắc này có thể xem là “mấu chốt” quan trọng nhằm đảm bảo ổn định vĩ mô, hài hòa lợi ích và sự  phát triển cung - cầu hợp lý, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu của sự phát triển kinh tế thị trường như ở nước ta hiện nay, không thể thiếu vai trò nhà nước đối với chính sách giá năng lượng dài hạn, ở tầm vĩ mô. Khi thị trường năng lượng đã hình thành và phát triển ổn định, vai trò quản lý nhà nước sẽ từng bước chuyển dần sang gián tiếp để phù hợp với xu thế phát triển chung.

Có thể thấy giá năng lượng là một vấn đề lớn có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến cả nền kinh tế - xã hội, hoạt động của các doanh nghiệp cũng như đời sống của nhân dân. Vì vậy, xây dựng chính sách giá năng lượng cần được tính toán, cân nhắc kỹ đến tất cả các yếu tố trong ngắn hạn và dài hạn, khách quan lẫn chủ quan, và nhất là cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia kinh tế cũng như ý kiến của người tiêu dùng.
 

Nếu đã để giá năng lượng, đặc biệt là giá điện, phát triển theo cơ chế thị trường, thì nên loại bỏ các yếu tố cản trở tính thị trường như trợ giá, “giá chính sách” hay cơ chế bù chéo về giá. “Chúng ta vẫn có thể thực hiện các chính sách xã hội nhưng thông qua con đường khác”- chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Một khi giá năng lượng được xây dựng có hệ thống, hài hòa thông qua quy hoạch năng lượng tổng thể, hệ thống giá được xây dựng dựa trên biên dài hạn (đặc biệt là đối với giá điện) sẽ trở thành công cụ điều hòa các hoạt động ngành năng lượng và nền kinh tế, góp phần thúc đẩy thị trường năng lượng phát triển bền vững - Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Duệ - chủ nhiệm Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

 


  • 21/07/2014 08:55
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 2805


Gửi nhận xét