Mạng lưới ATVSV là "cánh tay nối dài" của tổ chức công đoàn để kiểm tra, giám sát về lĩnh vực an toàn bảo hộ lao động - Ảnh: Vũ Lam
|
Theo Công đoàn Điện lực Việt Nam, hiện toàn Tập đoàn có 6.492 an toàn vệ sinh viên. Thời gian qua, hoạt động của mạng lưới này được đánh giá là "đã phát huy được vai trò đôn đốc, nhắc nhở và giám sát" , tuy nhiên hiệu quả còn chưa cao.
Các đại biểu tham dự Hội thảo là chủ tịch công đoàn, cán bộ phụ trách công tác an toàn trong các đơn vị đã nêu ra những khó khăn, bất cập trong hoạt động thực tế của mạng lưới này ở đơn vị như: An toàn vệ sinh viên (ATVSV) có rất ít thời gian để làm nhiệm vụ bởi bản thân họ cũng là người lao động, phải hoàn thành khối lượng công việc chuyên môn được giao trong khi pháp luật lại chưa có quy định rõ ATVSV được dành bao nhiêu thời gian để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Người sử dụng lao động tại một số đơn vị chưa nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của mạng lưới an toàn vệ sinh viên dẫn đến hoạt động mang tính hình thức hoặc chưa được tạo điều kiện để hoạt động; Chưa có cơ chế động viên, khuyến khích ATVSV để thúc đẩy họ làm tốt hơn nhiệm vụ của mình; Công tác thông tin tuyên truyền, huấn luyện, phổ biến kiến thức an toàn vệ sinh lao động và công tác phối hợp kiểm tra, giám sát chưa được quan tâm thường xuyên; Đơn vị chưa kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm an toàn lao động,...
Theo Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam - Trần Văn Ngọc, mạng lưới này là "cánh tay nối dài" của tổ chức công đoàn để kiểm tra, giám sát về lĩnh vực an toàn bảo hộ lao động. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động của mạng lưới này chưa đạt yêu cầu, trong đó có trách nhiệm của công đoàn cơ sở chưa làm tròn vai với việc tổ chức, quản lý, hướng dẫn và chỉ đạo hoạt động của mạng lưới ATVSV. Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam chỉ ra các nguyên nhân cụ thể như: Công đoàn còn thiếu quan tâm trong việc chọn ATVSV có chất lượng; chưa chú trọng đào tạo, bồi huấn thường xuyên cho ATVSV để nâng cao nghiệp vụ; chưa có giải pháp để tổ chức hoạt động hiệu quả cho mạng lưới này,...
Tại Hội thảo, các đại biểu đóng góp nhiều đề xuất, kiến nghị đối với Tập đoàn và Công đoàn Điện lực Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ATVSV, giúp ngăn ngừa, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để góp phần duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong đó, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo công đoàn các đơn vị phải rà soát lại và tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động của mạng lưới ATVSV ở cơ sở, chủ động tham gia cùng chuyên môn xây dựng quy chế hoạt động của mạng lưới này, đề xuất các cơ chế hoạt động cho ATVSV trong thỏa ước lao động tập thể, trong nội quy, quy chế của đơn vị,...
Về phía lãnh đạo Tập đoàn, Phó tổng giám đốc Đặng Hoàng An khẳng định hoạt động của mạng lưới ATVSV là cần thiết để góp phần đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất ở các đơn vị. "Sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra tai nạn lao động trong đơn vị hoặc không tạo điều kiện thuận lợi cho ATVSV hoạt động", Phó tổng giám đốc EVN nhấn mạnh.