Năng lượng tái tạo: Cần, nhưng chưa đủ...

Mặc dù góp phần quan trọng trong việc bổ sung nguồn cho hệ thống điện, nhưng năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam vẫn chưa thể thay thế năng lượng truyền thống trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Vì sao vậy?

Tại buổi tọa đàm “Câu chuyện năng lượng” diễn ra vào cuối tháng 8 vừa qua, các chuyên gia năng lượng cho biết, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2020 tổng công suất điện mặt trời sẽ đạt 850 MW. Nhưng, tính đến tháng 6/2019, tổng công suất điện mặt trời đã lên tới… 4.500 MW. Nhiều ý kiến cho rằng, phát triển mạnh điện mặt trời sẽ là giải pháp hữu hiệu giảm bớt nỗi lo thiếu hụt nguồn điện, nhưng thực tế, điện mặt trời mới chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ trong tổng cầu điện toàn quốc.

Theo ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN, tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2019 dự kiến là 212 tỷ kWh, bình quân, cả nước cần khoảng 750 triệu kWh mỗi ngày. Trong khi đó, ngày cao điểm nhất gần đây (21/8), sản lượng điện mặt trời chỉ đạt 27 triệu kWh (chỉ chiếm khoảng 3,6% tổng nhu cầu), phần sản lượng còn lại vẫn là các nguồn điện truyền thống như điện than, điện khí, thuỷ điện,…

Đó là chưa kể, điện mặt trời chỉ phát được khoảng 9-10 giờ ban ngày, thời gian còn lại, hệ thống điện vẫn phải huy động các nguồn năng lượng truyền thống. Do đó, mặc dù nguồn năng lượng tái tạo góp phần quan trọng, nhưng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nguồn điện truyền thống ở Việt Nam vẫn đóng vai trò chủ lực, cần phải được quan tâm một cách thỏa đáng. 

Ảnh minh họa

Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cũng khẳng định, về cơ cấu nguồn điện không thể “bốc thuốc”, không thể lấy mô hình của quốc gia này áp dụng cho quốc gia khác. Ví dụ, NLTT ở Đức phát triển rất mạnh, nhưng nếu quốc gia này không kết nối lưới điện với các quốc gia khác ở châu Âu, việc đảm bảo an ninh năng lượng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

Theo các chuyên gia, năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng phân tán. Do vậy, cùng với các dự án điện mặt trời công suất lớn, cần phải đẩy mạnh mô hình điện mặt trời áp mái. Bởi đây là loại hình có tính chất phân tán, tiêu thụ tại chỗ, giảm được chi phí truyền tải, giảm áp lực đầu tư cho ngành Điện và đặc biệt là tăng hiệu suất sử dụng, giảm tiền điện cho khách hàng.

Hiện nay, trong dự thảo Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, Bộ Công Thương đang đề xuất giữ nguyên mức giá điện mặt trời áp mái đến hết năm 2021 là 9,35 cent/kWh, khuyến khích phát triển mô hình này. Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng các tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm; thúc đẩy các điều kiện thị trường và chương trình tài trợ thí điểm… Vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã khởi động “Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam”, với mục tiêu 100.000 hệ thống sẽ được lắp đặt và vận hành vào cuối năm 2025… 


  • 09/10/2019 09:42
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 8437