|
Rosatom đang hỗ trợ tích cực triển khai dự án điện hạt nhân tại Việt Nam - Ảnh: Rosatom |
Theo ông Kovtun, việc chuyển giao các thiết bị, công nghệ hiện đại nhất, đảm bảo an toàn trong hoạt động của Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận là nguyên tắc đã được hai nước thống nhất.
Bên cạnh đó, với vai trò là đối tác chính trong Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Nga còn hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo chuyên gia, phát triển khoa học năng lượng hạt nhân. Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam đang được 2 nước triển khai, dự kiến trong tương lai sẽ là một trong những trung tâm khoa học hàng đầu Đông Nam Á.
Cũng trong năm 2013, Liên bang Nga đã tăng số lượng học bổng cũng như số trường đại học ở Nga được tham gia đào tạo chuyên gia nguyên tử cho Việt Nam. Theo ông Kovtun, thúc đẩy hợp tác về năng lượng hạt nhân nói riêng và hợp tác với Việt Nam nói chung là một trong những ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Nga ở châu Á.
Trước đó, Trường Đại học Điện lực đã phối hợp với Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) tổ chức Hội thảo “Công nghệ Lò phản ứng nước nhẹ VVER: Kinh nghiệm và đánh giá hậu Fukushima.”
Hiện tại, Việt Nam có 6 trường đại học và Viện Năng lượng nguyên tử có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật hạt nhân. Giai đoạn 2010 - 2013, Việt Nam đã cử 160 sinh viên đi học đại học tại Nga, gửi đi đào tạo ngắn hạn, thạc sỹ, tiến sỹ tại Nga và các nước khác. Những chuyên gia vận hành được đào tạo tại Nga ngoài việc học lý thuyết sẽ được thực tập tại hiện trường từ 1-3 năm trước khi vào làm việc chính thức tại các nhà máy điện hạt nhân.