Ngăn chặn tai nạn điện mùa mưa bão

Để hạn chế những tai nạn điện đáng tiếc trong mùa mưa bão, Cảnh sát PC&CC TPHCM, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã chủ động xây dựng phương án đảm bảo cho người dân và công trình trên địa bàn thành phố (TP).

Nguy cơ từ các “mạng nhện”

Hàng năm, trên địa bàn TP xảy ra hàng trăm trường hợp cháy điện đường, nhất là vào mùa mưa. Như năm 2015, TP xảy ra 76 vụ cháy điện đường và gần trăm trường hợp cháy điện đường khác nhưng người dân tự dập tắt. Trong đó, mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11) xảy ra 55/76 vụ.

Hầu hết các vụ cháy điện đường được phát hiện kịp thời và dập tắt nhanh chóng do đó gây thiệt hại không lớn. Tuy nhiên, với đặc điểm mạng lưới điện, dây viễn thông ở TP như “mạng nhện bủa vây” các căn nhà, cơ sở cho nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy lan, cháy lớn và đe dọa sự an toàn của người dân.

Theo các chuyên gia, sở dĩ mùa mưa mạng lưới điện hay xảy ra sự cố cháy nổ bởi tình trạng “mạng nhện” bít bùng cột điện hiện nay trên các tuyến đường. Các mối nối dây điện, dây viễn thông vừa rối rắm vừa không đảm bảo kỹ thuật hoặc bị tác động của thời tiết, con người dẫn đến vị trí đấu nối tiếp xúc kém làm phát sinh nhiệt và phóng tia lửa, thậm chí chạm chập gây cháy nổ.

Ngoài ra, với việc sử dụng dây điện, tủ điện, cầu dao, biến thế… của người dân chưa đảm bảo chất lượng, không định kỳ bảo dưỡng, thay thế hay dùng điện quá tải cũng là nguyên nhân của sự cố điện. Đặc biệt vào mùa mưa, nước mưa chứa axit trở thành chất dẫn điện và khi tiếp xúc các mối nối, vị trí dây dẫn bong hở vỏ bọc hoặc bản mạch điều khiển… khiến chạm chập, phóng điện làm sự cố cháy nổ điện xảy ra nhiều hơn.

Cháy điện đường Trần Xuân Soạn, quận 7 ngày 9/5/2016 

Thường xuyên kiểm tra, sửa chữa

Để kéo giảm tình trạng cháy nổ điện đường cũng như tạo mỹ quan đô thị, EVNHCMC đã tiến hành nhiều giải pháp tích cực để thu gọn, ngầm hóa các mạng lưới điện.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quốc Bảo - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM cho biết, để đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm Tổng công ty Điện lực TP đã thường xuyên thực hiện công tác phòng, chống thiên tai. Trong đó, về giải pháp kỹ thuật thì đã tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) cho các đơn vị trực thuộc theo quy định. Giao các đơn vị liên hệ và thực hiện phương án cấp điện ưu tiên cho các phụ tải quan trọng: Các đơn vị chỉ đạo, chỉ huy, cảnh báo, dự báo thông tin liên lạc, các trạm bơm, máy bơm chống ngập, chống úng; tổ chức kiểm tra công tác PCTT&TKCN tại đơn vị và tổ chức diễn tập phương án PCTT&TKCN trước mùa mưa bão.

Ngoài ra, đơn vị cũng đã chủ động, phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan trong phòng chống thiên tai (mưa, bão, ngập lụt, triều cường…) trong công tác quản lý vận hành hệ thống điện.

Thường xuyên kiểm tra để phát hiện và sửa chữa những khu vực ngập úng, khu vực cấp điện quan trọng để kịp thời sửa chữa ngay những bất thường khi phát hiện. Trong quá trình ngầm hóa lưới điện phải xét đến điều kiện thời tiết cực đoan khi thiết kế lắp đặt các bộ phận, thiết bị mang điện để đảm bảo không bị thấm nước, ngập nước…

Giao các đơn vị tổ chức kiểm tra các tuyến đường dây, thiết bị điện trên lưới; khắc phục, xử lý ngay các nguy cơ cột điện bị nghiêng, bị ngã đổ (đặc biệt các vùng đất yếu: Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Đức, Quận 9…).

Về giải pháp tuyên truyền, theo ông Phạm Quốc Bảo, hàng năm EVNHCMC tổ chức in ấn và phát hơn 1.900.000 cuốn “Cẩm nang sử dụng điện an toàn, tiết kiệm”, trong đó có lồng ghép nội dung tuyên truyền về “Đề phòng tai nạn điện có thể xảy ra khi mưa, bão, ngập lụt trên địa bàn TPHCM” để phổ biến đến khách hàng sử dụng điện.

Ngoài ra, Tổng công ty Điện lực TPHCM đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, đài truyền thanh để tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền “Đề phòng tai nạn điện có thể xảy ra khi mưa bão, ngập lụt trên địa bàn TPHCM” trên địa bàn quản lý.

Để phòng tránh các tai nạn điện có thể xảy ra, Cảnh sát PC&CC TP, Tổng công ty Điện lực TPHCM khuyến cáo khách hàng sử dụng điện và nhân dân khi mưa, bão, ngập lụt phải hết sức quan tâm, thực hiện:

- Không đứng trú mưa ở tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp.

- Không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế, thùng cầu dao…

- Không lên sân thượng, mái nhà (nơi có đường dây điện băng qua).

- Không tự ý sửa chữa đường dây, thiết bị điện ngoài trời.

- Nên ngắt nguồn điện (mở cầu dao, CB) nếu khu vực trong nhà bị ngập nước hoặc bị mưa làm ướt sàn (tạt, dột).

- Nên bố trí chỗ lắp đặt đường dây dẫn điện, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà cao hơn mức nước thường ngập lụt, ẩm ướt; lắp thiết bị đóng, cắt có tính năng chống rò điện phù hợp (ELCB).

- Nên cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (các bảng hiệu, bảng quảng cáo…) khi trời mưa to, gió lớn.

- Nên tránh xa, cảnh báo cho mọi người xung quanh biết và lập rào chắn khi phát hiện cột điện ngã (đổ), dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao hồ,... và báo ngay cho Trung tâm Chăm sóc khách hàng 1900545454 của Tổng Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh để thông báo xử lý kịp thời.

- Điện báo số 114 (Cảnh sát PCCC - Cứu nạn, cứu hộ TPHCM) khi có tai nạn điện xảy ra.


  • 04/07/2016 09:30
  • Theo sggp.org.vn
  • 524997