Ngành Điện Việt Nam: Hành trình đóng góp cho đất nước phát triển

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của ngành Công Thương, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam về những đóng góp của ngành Điện trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Là người gắn bó với ngành Điện Việt Nam qua công tác giảng dạy cũng như tham gia hoạt động quản lý, Giáo sư đánh giá thế nào những thành tựu đã đạt được của ngành Điện những năm qua?

Với nhiệm vụ cung cấp đủ điện cho đất nước, những năm qua, ngành Điện Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc với nhiều thành tựu đáng tự hào.

Từ chỗ nguồn và lưới điện không đáng kể, nghèo nàn lạc hậu từ năm 1954, đến nay nước ta đã có một hệ thống điện vững chắc với tổng công suất nguồn đạt hơn 38.800 MW, lưới điện quốc gia đã phủ kín khắp cả nước với trên 6.000 km đường dây 500 kV, 30.000 km đường dây từ 110 kV-220 kV và hàng trăm nghìn km lưới phân phối các loại. Sản lượng điện sản xuất hàng năm đạt trên 150 tỷ kWh, điện thương phẩm năm 2015 đạt 143,34 tỷ kWh. Sản lượng điện bình quân đầu người cả nước đạt hơn 1.400 kWh/năm.

Cùng với đó ngành Điện đã thực hiện thành công chương trình điện khí hóa nông thôn, kéo và cấp điện cho các vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Tính đến năm 2015, đã có gần 100% số xã, trên 98% số hộ dân được sử dụng điện. Ngành Điện dù còn nhiều khen, chê nhưng đây là điều không ai có thể phủ nhận được.

Nhiều năm qua, Ngành Điện đã nỗ lực thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn

Trong những năm qua, ngành Điện cũng không ngừng đổi mới, tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khách hàng. Xây dựng và hoàn thành các nhà máy thủy điện lớn để phát điện; đưa công nghệ tuabin khí tiên tiến vào xây dựng, quản lý và vận hành có hiệu quả các nhà máy nhiệt điện. Trong công nghệ truyền tải điện đã xây dựng đường dây siêu cao áp 500 kV từ Bắc vào Nam, hợp nhất 3 hệ thống điện trước đây hoạt động riêng lẻ thành hệ thống điện quốc gia, điều hành thống nhất. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ điện khí hóa nông thôn cao nhất thế giới; thời gian tiếp cận điện năng không ngừng được cải thiện, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Một thành tựu khác, có thể nói thêm là trong quản lý, ngành Điện đã chuyển từ độc quyền, chịu nhiều phàn nàn của xã hội sang cơ chế thị trường với nhiều chỉ tiêu dịch vụ ngày càng tốt hơn.

Theo Giáo sư, thời gian nào là điểm nhấn sự phát triển vượt bậc của ngành Điện?

Năm 1994 đánh dấu sự trưởng thành của ngành Điện Việt Nam thông qua việc hoàn thành xây dựng đường dây siêu cao áp 500 kV sử dụng công nghệ truyền tải tiên tiến bậc nhất lúc bấy giờ; rồi việc thành lập Tổng công ty Điện lực, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia. Sau đó là hàng loạt các công trình điện ở tất cả các miền được xây dựng và đưa vào phát điện.

Giai đoạn 1954 đến những năm 1990, do chiến tranh và giải quyết hậu quả chiến tranh nên nguồn điện luôn thiếu, chất lượng không ổn định. Vào năm 90, tổng công suất của cả nước chỉ đạt khoảng 1.800 MW, sản lượng điện khoảng 8-10 tỷ kWh. Điện dùng khoán, không có công tơ nhưng tình trạng mất điện xảy ra thường xuyên, chất lượng điện chập chờn, có khi chỉ dùng để thắp sáng sinh hoạt.

Việc đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam không chỉ đóng vai trò liên kết lưới điện các miền, đấu nối các nhà máy điện vào hệ thống, giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện của miền Nam và miền Trung, mà còn trở thành tiền đề cho sự phát triển vượt bậc của hệ thống điện ngày nay.

Ngành Điện có đóng góp như thế nào trong sự phát triển của ngành Công Thương và kinh tế đất nước, thưa Giáo sư?

Muốn phát triển kinh tế đất nước thì điện phải đi trước một bước. Các dự án điện không chỉ tạo ra nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương như gia tăng giá trị công nghiệp, tạo việc làm, an sinh xã hội, nguồn thu ngân sách, tạo môi trường thu hút đầu tư... đồng thời còn góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất khác từ công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp đến thương mại, dịch vụ... Ví dụ như khi đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm của toàn quốc từ 5-6% giai đoạn 1990-1992 lên hơn 18% giai đoạn 1993-1997, trong đó khu vực miền Trung và miền Nam là 21%. Nhờ đó tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt 12-14% trong giai đoạn 1990-1995, vượt các chỉ tiêu Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã đề ra.

Cứ nhìn vào thành tựu của ngành Công Thương, của đất nước trong những năm qua thì sẽ thấy đóng góp của ngành Điện. Từ chỗ không đáng kể đến nay ngành Điện đã có dự phòng, cung cấp đủ cho nhu cầu phụ tải với chất lượng, dịch vụ không ngừng tăng lên,góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư; giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng miền; thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!


  • 16/05/2016 10:15
  • Theo baocongthuong.com.vn
  • 32132