Ngành Điện “đóng vai” gì sau 30 năm thu hút vốn FDI?

Giá trị điện năng “kết tinh” trong các sản phẩm có nguồn gốc từ các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là không nhỏ, nhưng suốt gần 3 thập kỷ qua, ngành Điện vẫn chỉ “sắm vai” phía sau “hậu trường” gián tiếp hỗ trợ các địa phương hiện thực hoá thành công nhiều dự án tỷ USD…

Câu chuyện đầu tư của Tập đoàn Điện tử đa quốc gia Samsung tại Bắc Ninh, Thái Nguyên… và vai trò “lót đường” của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) tại các địa phương nói trên đã và sẽ tiếp tục chứng minh nhận định này là có căn cứ.

Công thức “3 cùng”

Cụ thể, trong những năm gần đây, Bắc Ninh luôn là tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút dòng vốn FDI, do vừa có những lợi thế sẵn có về vị trí địa lý, nguồn lao động dồi dào, lại biết cách chủ động áp dụng linh hoạt những chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nên chỉ trong vòng 3 năm (từ 2014 đến nay), vốn đầu tư của Samsung “đổ” vào đây đã tăng từ 1 lên 6,5 tỷ USD. Tương tự, ở khu vực Đông Bắc, Thái Nguyên cũng là tỉnh được Tập đoàn này “trao gửi” số vốn lên tới 5 tỷ USD.

Trao đổi với Pháp luật Việt Nam về vấn đề này, ông Thiều Kim Quỳnh - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) nói: “Để có những dự án đầu tư, trong đó có các dự án FDI thành công rực rỡ như hiện nay ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Dương… ngành Điện và các địa phương đều phải đi trước một bước, bởi khi chuẩn bị vào làm ăn ở Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu rất kỹ cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, hạ tầng trong đó có hạ tầng lưới điện và nguồn cung điện để thực hiện việc đầu tư”.

Ngành Điện và các địa phương đã “đi trước một bước” như thế nào trong quá trình thu hút, thực hiện dự án FDI, thưa ông?

Địa hạt mà EVNNPC theo dõi, kinh doanh và phân phối điện khá rộng, với 27 tỉnh, thành từ Hà Tĩnh trở ra. Phải nói rằng, mối quan hệ giữa ngành Điện với các địa phương nói trên là hết sức mật thiết, bởi trước tiên nó xuất phát từ công việc, vai trò, trách nhiệm của mỗi bên.

Có thể hình dung thế này, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo nhiệm kỳ của các tỉnh bao giờ cũng có “bóng dáng” của ngành Điện và ngược lại - quy hoạch điện lực của địa phương bao giờ cũng phải gắn chặt với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh đó, trong đó, ngành Điện xác định phải phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ thu hút, thực hiện các dự án đầu tư của các tỉnh, thành.

Trên bình diện chung là thế, còn đối với một dự án cụ thể, một nhà đầu tư cụ thể, trước khi hoạt động thường hay có một cuộc gặp 3 bên giữa UBND các tỉnh - nhà đầu tư - EVNNPC. Theo đó, chúng tôi sẽ cùng ngồi lại để xem yêu cầu của địa phương là gì, nhu cầu của nhà đầu tư ra sao, còn ngành Điện thì phải phúc đáp cho được những đề xuất đó, trên cơ sở nguồn lực hiện có và nỗ lực của Ngành. Sau khâu này, dự án mới chính thức đi vào hoạt động.

Cụ thể, các dự án FDI tại Thái Nguyên hay Bắc Ninh, chúng tôi đều hỗ trợ và thực hiện nó theo “công thức” đó. Đặc biệt, ở hai tỉnh này, sự phối hợp giữa ngành Điện với địa phương trong quá trình thúc đẩy các dự án là hết sức kịp thời và có hiệu quả. Cá nhân tôi, khi cần giải quyết công việc về điện với địa phương cũng có thể kết nối, trao đổi trực tiếp với các đồng chí Bí thư, Chủ tịch của những tỉnh này, và phía các đồng chí đó cũng hết sức cởi mở vì sự phát triển chung của địa phương.

Nhà đầu tư tăng vốn, ngành Điện tăng đầu tư

Vai trò của ngành Điện là quan trọng, nhưng những việc làm để góp phần hiện thực hoá các dự án đầu tư từ phía ngành Điện thường không quá “ồn ào” dù EVN luôn có mặt sau “hậu trường” để hậu thuẫn cho các dự án lớn tại các điểm sáng thu hút FDI, thưa ông?

Hoạt động thu hút và triển khai các dự án công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ tại các tỉnh, thành phía Bắc. Điều này thể hiện rõ qua tỷ lệ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm của EVNNPC trong năm 2016 với con số 14,21%, trong đó dẫn đầu là điện phục vụ công nghiệp - xây dựng (hơn 62%). Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên… những địa phương có sản lượng lớn (trên 2 tỷ kWh) đều có mức tăng trưởng cao từ 10 - 22%.

Thực tế này cho thấy, ngành Điện luôn tham gia tích cực và có trách nhiệm vào quá trình phát triển kinh tế ở các địa phương. Ví dụ như ở Bắc Ninh, ngay từ những ngày đầu tiên Samsung đầu tư vào đây mới vài tỷ USD và đến đầu năm 2017, khi họ tuyên bố “rót” thêm 2,5 tỷ USD... những động thái ấy, ngành Điện đều phải theo sát để chủ động lên phương án đầu tư lưới, nguồn, công suất nhằm phục vụ tổ hợp nhà máy của tập đoàn này.

Với con số 2,5 tỷ USD sẽ đầu tư thêm của Samsung thì ngành Điện phải có nhiệm vụ tính toán việc đầu tư hệ thống của mình để có thể đáp ứng nhu cầu điện ở đây trong vòng 10 đến 15 năm tới. Cụ thể, trong Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) - nơi tập đoàn này đặt nhà máy, trước chỉ có 3 Trạm biến áp 110 kV, thì nay phải đầu tư thành 5. Tuy nhiên, công việc vẫn chưa dừng lại ở đó, bởi một dự án có quy mô lên tới hàng vạn lao động như của Samsung đi vào hoạt động, ngành Điện còn phải đầu tư lưới điện phục vụ các nhà máy, khu cụm công nghiệp vệ tinh, rồi phải cải tạo cả lưới điện phục vụ làng công nhân, khu dân cư lân cận nhà máy Samsung, với mức đầu tư lên tới cả trăm tỷ đồng nữa chứ không phải ít.

Tất cả những việc làm đó, ngành Điện kiên trì theo đuổi nhiều năm qua và kết quả thực tế cũng được nhiều địa phương ghi nhận.

Khách hàng là trung tâm

Việc “đi trước một bước” đối với những khách hàng, phụ tải lớn như các dự án FDI vừa nêu của EVNNPC phải chăng xuất phát từ việc thay đổi tư duy kinh doanh của ngành Điện trong thời gian gần đây, với phương châm coi khách hàng làm trung tâm?

Trước đây, khi còn thiếu điện, ngành Điện cung cấp như thế nào thì khách hàng nhận như vậy, ngành Điện khi đó bỗng dưng “quan trọng”. Nhưng bây giờ, cung - cầu đã thay đổi, cả ngành Điện và EVNNPC cũng phải thay đổi cách nghĩ, vì đó là sự tồn tại. Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập, đất nước có bao nhiêu ngành dịch vụ, họ đều thay đổi, chẳng lẽ mình vẫn cứ như xưa?

Các quy định về tiếp cận điện năng, phục hồi cấp điện sau sự cố, thay thế thiết bị đóng cắt (lưới hạ, trung thế)… đã thành quy định, thành chuẩn mực để thực hiện và đánh giá mức độ chuyên nghiệp của từng đơn vị. Tóm lại, ngành Điện trước mới chỉ chuyên nghiệp trong sản xuất, vận hành hệ thống điện mà chưa chuyên nghiệp trong khâu bán hàng. Vì thế, rất cần phải thay đổi, phải đi trước trong phục vụ đối với tất cả các khách hàng.

Những khó khăn, tồn tại trong quá trình phân phối điện phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các dự án đầu tư có quy mô tại các địa phương mà ngành Điện đang phải đối mặt là gì, thưa ông?

Như đã nói trên, cơ cấu điện thương phẩm của EVNNPC, điện cho lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm tới hơn 62%, với giá bán bình quân chỉ đạt 1.494 đồng/kWh, nếu dùng ở khung giờ thấp điểm thì giá còn thấp hơn nhiều. Trong khi trên địa bàn miền Bắc lại tập trung nhiều dự án nhà máy xi măng và sắt thép đăng ký mua điện ở cấp 110 kV có giá thấp, với sản lượng thấp điểm về đêm rất lớn. Với mức giá bán điện vào các khu công nghiệp và khu chế xuất thấp như vậy mà không có sự tính toán, điều chỉnh hợp lý, chúng tôi lo ngại sẽ xảy ra tình trạng “xuất khẩu” điện ngay trên đất của mình.

Năm 2016, điện thương phẩm của EVNNPC đạt 51.143,51 triệu kWh, tăng trưởng 14,21% và vượt kế hoạch EVN giao 193,51 triệu kWh, tức cao hơn 0,82% so với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2011 - 2015.

Đại diện EVNNPC cho hay, sở dĩ có được con số trên là do các phụ tải lớn trên địa bàn duy trì hoạt động ổn định; nguồn điện được đảm bảo, lưới điện được đầu tư, cải tạo đáp ứng kịp thời cho phụ tải.

Ngoài ra, do hệ thống đường cao tốc các tỉnh phía Bắc được hoàn thiện đưa vào khai thác, nguồn nhân lực dồi dào, chính sách thu hút đầu tư của các tỉnh có nhiều ưu đãi tốt cho doanh nghiệp cũng là những tác động hết sức tích cực đối với ngành Điện. 

 


  • 16/03/2017 03:17
  • Theo Báo Pháp Luật Việt Nam
  • 10219