Ngành công nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) gặp nhiều sức ép do thiếu điện

Quá trình chuyển đổi năng lượng khó khăn của Đài Loan đang gây sức ép lên ngành công nghiệp của nước này. Giá điện tăng đột ngột cùng với nguy cơ mất điện ngày càng cao ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều công ty, bao gồm cả công ty lớn nhất châu Á — gã khổng lồ sản xuất chip bán dẫn Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC).

Giám đốc tài chính TSMC, Wendell Huang cho biết: “Về cơ bản, tiền điện chúng tôi chi trả tại Đài Loan trong vài năm qua đã tăng gấp đôi. Vì vậy, chúng tôi dự đoán rằng chi phí điện tại đây sẽ ở mức cao nhất trong tất cả các khu vực mà TSMC hoạt động”.

Được biết, TSMC hiện có các nhà máy tại Hoa Kỳ, Nhật Bản và đang trong quá trình xây dựng một nhà máy tại Đức.

Trợ cấp chi phí điện từ lâu đã là lợi thế cạnh tranh của Đài Loan, giúp các công ty như TSMC phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Financial Times

Trước đây, các nhà sản xuất tại Đài Loan hưởng lợi lớn từ trợ cấp của chính phủ, nhờ vào một số nguồn điện nhập khẩu rẻ nhất thế giới, cùng các ưu đãi như hoàn thuế và giá thuê đất thấp. Tuy nhiên, giá nhiên liệu toàn cầu tăng vọt, cùng với việc thiếu các nguồn năng lượng thay thế, đã khiến Công ty Điện lực Nhà nước Đài Loan (Taiwan Power Company) phải chịu lỗ nặng. Kể từ năm 2022, giá điện tại Đài Loan đã tăng gấp 4 lần.

Để kiểm soát lạm phát và giảm tác động của giá năng lượng tăng cao đến người dân và các thành phần kinh tế dễ tổn thương, chính phủ đã chuyển gánh nặng chi phí này sang các ngành công nghiệp lớn.

Biểu đồ thể hiện xu hướng giá cả của điện sinh hoạt và điện công nghiệp giai đoạn 2010-2023 tại Đài Loan (Màu xanh: Điện công nghiệp; Màu đỏ: Điện sinh hoạt). Ảnh: Financial Times

Vào tháng 4, Đài Loan đã tăng giá điện trung bình lên 11%, nhưng đối với các doanh nghiệp lớn, như TSMC, mức tăng này lên tới 25%. Đến tháng 10, chính phủ đã áp dụng chính sách “đóng băng giá điện” cho các hộ gia đình và những công ty trong diện thuộc ngành công nghiệp suy thoái hoặc có nhu cầu sử dụng điện giảm; những khách hàng thuộc ngành công nghiệp lớn, đặc biệt đối với các ngành đang phát triển mạnh hiện đang chịu mức tăng thêm 14%.

Theo Jheng Rui-he, nhà phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu kinh tế Chung-Hua, giá điện cho hộ gia đình thường cao hơn so với giá điện cho công nghiệp – giống như ở nhiều quốc gia phát triển khác – để phản ánh chi phí chuyển đổi từ điện áp cao cho công nghiệp xuống điện áp thấp hơn cho hộ gia đình. Nhưng hiện nay, tình thế đã đảo ngược, giá điện công nghiệp được điều chỉnh cao hơn để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng cá nhân và các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn.

Mặc dù tốc độ tăng giá điện của Đài Loan kể từ năm 2022 vẫn thấp hơn so với một số quốc gia phát triển phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu như Pháp và Hàn Quốc, các chuyên gia chính phủ dự báo rằng giá điện công nghiệp của Đài Loan có thể sẽ vượt qua Nhật Bản và Hàn Quốc – hai đối thủ cạnh tranh chính của Đài Loan trên thị trường xuất khẩu.

Hiện tại, Đài Loan đang đầu tư mạnh vào năng lượng gió ngoài khơi với mục tiêu sản xuất 27–30% điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030, nhưng Đài Loan đã khởi động muộn trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Đồng thời, Đài Loan đang có chủ trương dần loại bỏ điện hạt nhân - vốn sản xuất một nửa sản lượng điện của họ vào những năm 1980 nhưng nay chỉ còn 6%. Theo kế hoạch, lò phản ứng hạt nhân cuối cùng sẽ ngừng hoạt động vào tháng 5 năm 2025, đánh dấu bước chuyển tiếp hoàn toàn sang các nguồn năng lượng thay thế.

Giá điện tăng cho thấy một thách thức năng lượng sâu rộng hơn đối với ngành công nghiệp Đài Loan. Theo báo cáo gần đây của S&P Global, tình trạng thiếu hụt nguồn điện có thể kìm hãm việc mở rộng sản xuất chip của TSMC tại Đài Loan trong dài hạn, tăng rủi ro tín dụng của công ty, khiến các tổ chức tài chính có thể đánh giá công ty là khoản đầu tư rủi ro hơn. Từ đó, TSMC có thể bị áp mức lãi suất vay cao hơn hoặc gặp khó khăn khi huy động vốn để mở rộng sản xuất và nghiên cứu công nghệ.

Trong thập kỷ qua, dự trữ điện của Đài Loan đã nhiều lần giảm xuống dưới mức mục tiêu 15% của chính phủ, gây ra nhiều sự cố mất điện. Dù các nhà xuất khẩu lớn như TSMC được ưu tiên khôi phục nguồn cung, tình trạng thiếu điện vẫn tạo áp lực lớn, đặc biệt trong bối cảnh ngành công nghệ đang cần nguồn điện ổn định nhất.

Nhu cầu năng lượng để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến ngày càng tăng cao, với mức tiêu thụ điện gần gấp đôi so với hai thế hệ bán dẫn trước đây. Riêng TSMC đã tiêu thụ 40,5kWh chỉ để sản xuất một lớp wafer 12 inch vào năm ngoái, gần gấp đôi lượng điện cần thiết vào năm 2017.

Ngoài ra, Đài Loan cần đảm bảo nguồn cung điện ổn định cho các trung tâm dữ liệu lớn mà các nhà cung cấp dịch vụ đám mây như Google đang mở rộng, nhằm đáp ứng nhu cầu máy chủ ngày càng tăng khi trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển. Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Đài Loan cảnh báo rằng việc duy trì nguồn cung năng lượng ổn định và bình ổn giá cả khi cắt giảm năng lượng than và hạt nhân là một "thách thức cấp bách".

Báo cáo cũng lưu ý rằng giá điện tăng đột ngột và khó lường sẽ làm gián đoạn hoạt động và gây khó khăn cho các nhà đầu tư quốc tế muốn mở rộng hoạt động tại Đài Loan. Theo ông Chen Jong-shun, nhà nghiên cứu tại Viện Chung-Hua, các công ty cần một biểu giá điện hợp lý hơn là giá thấp. Việc tăng giá thiếu kiểm soát sẽ làm cho công tác lập kế hoạch đầu tư và kiểm soát rủi ro trở nên khó khăn hơn, và dựa vào chính sách hoặc quyết định ngắn hạn của chính phủ có thể gây bất lợi cho môi trường đầu tư ổn định.


  • 10/11/2024 05:19
  • Nguyệt Hà (Theo Financial Times)
  • 1184