Từ những kĩ sư nơi tuyến đầu…
20 năm cho hai công trình thế kỉ - Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Sơn La và NMTĐ Lai Châu, với vai trò “nhạc trưởng”, biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của đội ngũ CBCNV Ban A Sơn La đã đổ xuống nơi núi rừng Tây Bắc. Họ đã cùng các nhà thầu, đơn vị thi công miệt mài trên công trường, căng mình trên từng vị trí công tác..., đóng góp sức lực, trí tuệ vào thành công của hai nhà máy thủy điện hàng đầu đất nước. Khó khăn đang dần qua đi, “quả ngọt” bắt đầu được thu lượm, khi NMTĐ Sơn La đã về đích sớm hơn 3 năm, NMTĐ Lai Châu sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, “cán đích” trước 1 năm so với kế hoạch, làm lợi cho Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.
Có mặt trên công trình Thủy điện Lai Châu vào những ngày cuối tháng 9/2016, không còn không khí hối hả, nhộn nhịp của “đại công trường” ngày nào mà giờ đây, những kĩ sư, chuyên viên Ban A Sơn La đang cần mẫn, miệt mài kiểm tra, giám sát các hạng mục cuối cùng, đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật. Tranh thủ giờ giao ca, tôi có dịp trò chuyện với họ, được nghe kể về một chặng đường đầy gian nan, vất vả...
Là một trong những người có mặt từ những ngày đầu khi xây dựng NMTĐ Sơn La, anh Phan Hồ Quang - Phó phòng Kỹ thuật - An toàn (Ban A Sơn La) vẫn nhớ như in những ngày đầu đặt chân lên công trường. “Khi đó, cơ sở vật chất, trụ sở của Ban chưa xây dựng xong, mấy chục anh em từ lãnh đạo Ban đến các chuyên viên, kỹ sư cùng ở trong một cái kho lớn: Ăn chung, ngủ chung, tắm chung, giống y như một trại lính. Vào mùa hè, công trường đầy bụi, nhà kho nóng vô cùng, vất vả nhưng cũng vui và nhiều kỉ niệm đẹp…”, anh Quang dí dỏm kể.
Anh cũng không quên trận lũ lịch sử năm 2005, suýt cuốn trôi bao thành quả của tập thể công trường. “Lúc đó, công trình NMTĐ Sơn La đang hoàn thiện hạng mục cống và kênh dẫn dòng, chuẩn bị cho lễ khởi công và ngăn sông đợt 1. Thế nhưng, ngày 30/10/2005, bỗng một cơn lũ lớn đổ về đột xuất (nói đột xuất, bởi thông thường, ở Tây Bắc, đến giữa tháng 9 là hết lũ sông Đà - PV). Để bảo vệ công trình, tất cả lực lượng trên công trường từ các nhà thầu đến lãnh đạo, CBCNV Ban A Sơn La cùng ra sức đắp đê quai ngăn lũ. Đắp cao đến đâu, nước lũ lại mấp mé đến đấy, nguy hiểm vô cùng. Hàng trăm con người ra sức chạy đua cùng dòng nước lũ. Cứ tưởng tượng, nếu không nhanh, tất cả sẽ bị cuốn phăng theo dòng nước...”, anh Quang chia sẻ.
Dù mưa, gió, CBNV Ban A Sơn La và các nhà thầu vẫn bám công trường, đưa Thủy điện Sơn La hoàn thành vượt tiến độ
|
Anh Nguyễn Anh Thường - Tổ trưởng Tổ Công trình mặt bằng, Phòng Kỹ thuật - An toàn, lại có mặt ngay từ những ngày khởi công Thủy điện Lai Châu, với nhiệm vụ thực hiện san gạt mặt bằng, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng như, đường giao thông, đường điện, nước phục vụ cho các công trình chính... Anh Thường cho biết: “Hiện nay, các tuyến đường lên Tây Bắc, đường vào Nhà máy đã được bê tông hóa, đi lại thuận lợi hơn nhiều. Còn trước đây, chủ yếu là đường đất với những khúc cua gấp, dốc dựng đứng trải dài theo sườn núi, đi lại vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Đi từ văn phòng Ban tại thị xã Mường Lay vào đến công trường, có khi phải mất đến nửa ngày trời. Trời nắng còn đỡ, trời mưa, anh em còn phải đối mặt với hiểm nguy do đất đá sạt lở, gian nan không thể kể hết”.
Anh Thường cho biết thêm, “Giai đoạn đầu, Tổ mặt bằng thường xuyên phải tăng ca, làm việc bất kể ngày đêm, đảm bảo tiến độ cho các hạng mục của công trình chính... Cũng có không ít lần, anh em phải thức đến 1-2 giờ sáng, tổ chức san gạt các khu vực đất đá sạt lở gây ách tắc giao thông trên công trường”.
Đến nay, nhiều kĩ sư trẻ mới ra trường cũng tình nguyện lên Tây Bắc thử sức tại Ban A Sơn La. Kĩ sư Trịnh Anh Thái - Phòng Kỹ Thuật An toàn cho biết: “Có những khoảng thời gian, 2-3 tháng liền, cả Ban không ai được nghỉ định kì về thăm nhà, do yêu cầu tiến độ công việc. Thế nhưng, tất cả anh em đều nỗ lực làm việc, không một lời than vãn, kêu ca”.
Tuy nhiên, để có ngày hôm nay, anh Thái cũng như nhiều kĩ sư trẻ đã phải vượt qua những khó khăn, thách thức khi mới lên công trường, phải đối mặt với cường độ làm việc căng thẳng, với khí hậu khắc nghiệt của vùng Tây Bắc. “Vào những đêm mùa đông, nhiệt độ xuống 4-5 độ C, đứng giữa công trường rộng lớn, gió, mưa gào thét, chúng tôi vừa phải đối mặt với giá lạnh, vừa phải chống chọi với cơn buồn ngủ. Có những lúc tưởng chừng chỉ cần đứng lại một chút thôi cũng có thể “ngủ đứng” ngon lành. Nhưng chúng tôi ai cũng hiểu, chỉ một sai sót, một sơ sẩy nhỏ đều phải trả giá đắt. Công việc buộc chúng tôi phải vượt qua chính mình. Bây giờ, khi đã quen, nhìn lại những gian nan này chỉ còn là “chuyện nhỏ”, anh Thái cho hay.
…Đến hậu phương thầm lặng
Cùng với những CB, CN trên công trường, nói đến Ban A Sơn La không thể không kể đến vai trò của những người làm việc trong khối Văn phòng. Họ là những “chiến binh” thầm lặng, lặng lẽ cống hiến với vô vàn việc không tên, từ việc lo từng bữa ăn cho toàn thể cán bộ công nhân viên trong Ban đảm bảo đủ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức đón tiếp các đoàn lên kiểm tra, công tác tại công trình..., đến công tác thanh quyết toán, cập nhật công văn đến/đi đảm bảo tính chính xác, bảo mật, kịp thời.
Cán bộ, kỹ sư Ban A Sơn La và các nhà thầu khảo sát tuyến và thăm dò địa chất dự án Thủy điện Sơn La
|
Với vị trí địa lý xa xôi, cách trở, đường sá đi lại khó khăn thì những người làm công tác hậu phương ở Ban A Sơn La cũng gian nan và áp lực không kém những kỹ sư trên công trường. Không thuận lợi như ở thành phố, hay vùng đồng bằng, chỉ cần ra chợ là có đủ thực phẩm cho một bữa ăn, ở công trường Thủy điện Lai Châu, Thủy điện Sơn La – vốn được ví là nơi “thâm sơn cùng cốc” - có những thời điểm, để mua đủ thực phẩm cho bữa ăn, bộ phận nhà bếp phải đi tới mấy chục cây số; hay những khi mưa gió, để đảm bảo lương thực dự trữ, bộ phận hậu cần phải đi gần trăm cây số, ra tận thành phố Điện Biên mới mua được gạo... Thế nhưng, dù mưa gió, bão lũ, ngày ba bữa cơm của CBCNV vẫn luôn đủ chất dinh dưỡng; những bữa cơm ca cho các kỹ sư trên công trường vẫn chưa bao giờ “trễ hẹn”, bất kể đêm/ngày...
Đáng kể hơn, trong mọi sự kiện của Ban, khối văn phòng luôn là những người “lo” trước nhất và nghỉ ngơi sau cùng. “Có lần, hoàn thành tiếp đón đoàn công tác từ Hà Nội lên làm việc, nhìn đồng hồ đã một rưỡi sáng. Lúc này mới nhớ ra, mình vẫn chưa có miếng gì vào bụng”, anh Lê Văn Hòa - Phó Phòng Tổ chức hành chính tổng hợp Ban A Sơn La chia sẻ.
Nhưng có lẽ, căng thẳng nhất của khối văn phòng Ban A Sơn La phải kể đến việc phải xử lý lượng công văn, giấy tờ khổng lồ. “Chỉ cần chậm xử lý một văn bản, chậm một hạng mục thanh quyết toán... cũng sẽ kéo theo hàng loạt hạng mục trên công trường chậm tiến độ; sai một con số, một dấu phẩy, hậu quả cũng sẽ khôn lường... Vì vậy, khối văn phòng dù ở trụ sở đóng tại Hà Nội hay bộ phận thường trực tại công trường, tính chính xác, kịp thời và bảo mật luôn là yêu cầu hàng đầu. Do đó, tăng ca hay làm việc thâu đêm, với chúng tôi chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”, anh Hòa chia sẻ.
Vất vả là vậy, thế nhưng CBCNV Ban A Sơn La chưa một lần nghĩ đến việc tìm đến một công việc an nhàn hơn, bởi họ đã “trót yêu” nghề làm thủy điện, trót “nặng tình” với anh em, đồng nghiệp.
Tròn 20 năm tuổi, nhiều thế hệ CBCNV của Ban A Sơn La đã nghỉ hưu, cũng có người đã khuất núi, nhưng những cống hiến, đóng góp của họ sẽ lưu mãi dấu ấn trên hai công trình thế kỉ: NMTĐ Sơn La và NMTĐ Lai Châu. Phát huy truyền thống của thế hệ đi trước, hơn 200 CBCNV ngày hôm nay, mỗi người một công việc, một tính cách, nhưng tất cả đều tràn đầy nhiệt huyết, tận tâm, tận lực tiếp tục vững tin đi chinh phục những công trình mới, nhiệm vụ mới. Từ Lãnh đạo Ban đến cán bộ, kĩ sư, nhà bếp, văn thư, kế toán, lái xe...; từ bộ phận làm việc ở Hà Nội đến các anh em “cắm chốt” nơi núi rừng Tây Bắc, tất cả tạo nên một đại gia đình Ban A Sơn La nỗ lực hết mình vì sự nghiệp phát triển ngành Điện Việt Nam.