Người dân cần nâng cao ý thức về bảo vệ an toàn hành lang lưới điện

Lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cho rằng, khó tính toán hết thiệt hại do sự cố mất điện toàn miền Nam ngày 22/5 và để tránh những trường hợp tương tự lại phụ thuộc rất nhiều vào ý thức người dân. Chiều 23/5, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia Vũ Ngọc Minh trao đổi về nguyên nhân cũng như hướng khắc phục mạng lưới truyền tải điện thời gian tới.

Ông Vũ Ngọc Minh cho rằng người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ an toàn hành lang lưới điện để tránh sự cố đáng tiếc vừa qua - Ảnh Anh Quân

PV: Người bình thường không thể hiểu tại sao chỉ vì một xe cẩu chở cây vướng vào đường dây lại có thể gây mất điện toàn bộ khu vực miền Nam. Ông lý giải thế nào về hiện tượng này?

Ông Vũ Ngọc Minh: Các đường dây cao áp trong hệ thống điện đều có quy định riêng về hành lang an toàn. Tại khu vực xảy ra sự cố, hằng tháng công ty đều cử đoàn đi kiểm tra thì gần như hàng lang sạch, không có vấn đề gì. Sự cố xảy ra khi xe cầu nhấc cây lên cao, lấn vào hành lang an toàn nên gây hiện tượng phóng điện trên đường dây.

Ở miền Nam, các nhà máy điện không có nguồn riêng nên phải truyền tải qua đường dây 500 kV. Hiện nay chỉ có 2 đường dây cấp cho Trạm Phú Lâm là điểm cuối cùng ở miền Nam, do tải rất cao nên nếu xảy ra sự cố trên một đường dây sẽ phải dồn sang đường bên cạnh, gây quá tải. Với hệ thống bảo vệ tại các trạm được trang bị tương đối hiện đại, khi quá tải thì hệ thống sẽ nhảy ngay để bảo vệ đường dây và thiết bị.

PV: Ngành Điện đã có biện pháp xử lý như thế nào khi xảy ra sự cố?

Ông Vũ Ngọc Minh: Sự cố ngày 22/5 rất lớn, trực tiếp Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo và cứ 15 phút lại gọi xuống các đơn vị kiểm tra. Trách nhiệm của đơn vị truyền tải là phải cử người đi dọc đường dây để tìm nơi xảy ra sự cố.

Lần này tìm ra nguyên nhân rất nhanh, chỉ sau khoảng một tiếng đồng hồ. Nhiều trường hợp trước đây như diều vướng vào đường dây thì rất khó tìm được và không thể đóng điện trở lại nếu chưa tìm ra nguyên nhân. Hoặc giả sử, nếu xe cẩu hôm qua chạy mất thì cũng không thể tìm được và công ty sẽ phải cử người đi từng cột tìm. Có những sự cố công ty phải mất tới 8 tiếng, đến khi không phát hiện ra lý do nhưng thấy an toàn rồi thì phải đóng đường dây để phát điện trở lại.

PV: Ông đánh giá thế nào về thiệt hại của lần mất điện toàn miền Nam vừa xảy ra?

Ông Vũ Ngọc Minh: Thiệt hại là rõ nhưng ngành Điện chưa thể thống kê được. Trước mắt, EVN chỉ đạo nhiệm vụ hàng đầu là khôi phục phụ tải để cấp điện trở lại.

Trước mắt có thể thấy được ngay một số thiệt hại, như về sinh hoạt sẽ gây ra bức xúc cho người dân, về mặt kinh tế có thể khiến dừng cả dây chuyền sản xuất, đây là điều không thể tính toán được. Phía EVN cũng có thiệt hại như nhà máy dừng ngay lập tức sẽ khiến cho thiết bị, tuốc bin, lò hơi có thể bị hư hỏng.

PV: Trách nhiệm của ngành Điện cũng như người lái xe cẩu ra sao khi để xảy ra sự cố như vậy?

Ông Vũ Ngọc Minh: Thực tế cho thấy đây là sự cố khách quan nên khó có thể quy trách nhiệm cho một cá nhân cụ thể.

Với người lái xe cẩu, hiện EVN đã đã báo cho Bộ Công an để chỉ đạo. Trên toàn bộ hành lang lưới điện EVN đều ký kết phối hợp với ngành Công an để họ có trách nhiệm bảo vệ. Hiện chiếc xe cẩu đã bị thu giữ.

Về trách nhiệm của ngành Điện thì ngay sau sự cố, Tổng công ty đã chỉ đạo các trạm khôi phục phụ tải càng nhanh càng tốt, thậm chí yêu cầu để xe cẩu đó sang ngay bên cạnh, không cần chờ Công an để làm sao trả lại đường dây nhanh nhất.

Còn phần hỗ trợ thiệt hại cho khách hàng thì trước hết phải bắt người gây ra chịu trách nhiệm thì ngành Điện mới đền bù được, không thể một người gây ra lại bắt người khác đền bù.

Tuy nhiên, dù chủ quan hay khách quan thì đây đều coi là sự cố và sẽ ảnh hưởng đến thi đua, tiền lương, tiền thưởng. Như sự cố xe cẩu mới đây thì ngành Điện sẽ xem xét rằng tháng nào anh cũng đi kiểm tra thì phải biết cây đó người ta có nhấc ra, nhấc vào hay không và phải có biện pháp làm việc với người dân để xem có cách nào khắc phục, tức là phải có sự trao đổi thông tin.

PV: Ngành Điện rút ra bài học gì sau sự cố này?

Ông Vũ Ngọc Minh: Theo tôi, trước hết cần phải tuyên truyền cho người dân dọc đường dây 500 kV và dùng tờ rơi để cảnh báo về mức độ nguy hiểm. Người dân hiện chưa ý thức được một sự cố ảnh hưởng thế nào bởi có nhiều đường dây sẽ ảnh hưởng tới nhiều tỉnh. Đối với truyền tải, đường dây 220 kV, 500 kV không chỉ cấp điện cho 1 vài xã, huyện mà cấp cho một tỉnh hoặc vài tỉnh, nếu mất nguồn điện chính thì sẽ mất hết.

Ví dụ, khi người dân đốt pháo sáng vào dịp Tết sẽ bắn kim loại lên đường dây, gây ra mất điện, hoặc dây diều bay vào đường dây thì có thể ảnh hưởng. Do vậy, ý thức của người dân rất quan trọng. Sau chuyện này, Tổng công ty sẽ có sự tăng cường như thông báo trên toàn bộ đường dây, phòng tránh những trường hợp tương tự xảy ra.

Bên cạnh đó, phải có những nhà máy điện lớn ở khu vực để tránh truyền tải công suất lớn trên đường dây. Tuy nhiên, ngành Điện đang gặp khó khăn về nguồn vốn bởi không một tư nhân nào có thể đầu tư được với giá trị lớn. Nhưng Tổng công ty cũng được Chính phủ hỗ trợ nhiều như đề nghị các ngân hàng, tổ chức quốc tế cho vay...

Tập đoàn cũng đã chỉ đạo đầu tư cho cả đường dây 220 kV lẫn 500 kV, nhưng hiện nay một số địa phương còn vướng về đền bù giải phóng mặt bằng. Do vậy, ngành Điện rất cần sự hỗ trợ của địa phương.

PV: Theo ông trong thời tiết nóng bức, phụ tải lên cao thì có thể xảy ra sự cố tương tự như vừa qua hay không?

Ông Vũ Ngọc Minh: Điều này rất khó trả lời. Những gì là quy định của Nhà nước thì mình đã làm rồi, hoặc còn làm hơn như huy động thanh niên giao lưu, tuyên truyền cho các tỉnh, in tờ rơi. Nhưng cái quan trọng thì phải là ý thức người dân, câu chuyện tương tự như tham gia giao thông, đèn đỏ họ có dừng lại không.

 


  • 24/05/2013 09:21
  • Theo vnxpress.net
  • 2774


Gửi nhận xét