Chúng ta có thể trực tiếp thu năng lượng mặt trời thông qua hiệu ứng quang điện giúp chuyển năng lượng các photon của mặt trời thành điện năng, như trong pin mặt trời. Năng lượng của các photon cũng có thể được hấp thụ để làm nóng các vật thể, tức là chuyển thành nhiệt năng, sử dụng cho bình đun nước mặt trời, hoặc vận động các hệ thống nhiệt như máy điều hòa mặt trời…
Tăng cường sử dụng các thiết bị dùng năng lượng mặt trời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
|
Trên thế giới, việc sử dụng năng lượng mặt trời đã khá phổ biến và ngày càng được phát triển. Với đặc điểm địa lý nằm trong vùng nhiệt đới, Việt Nam cũng có tiềm năng về năng lượng mặt trời. Từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, việc nghiên cứu và ứng dụng năng lượng mặt trời đã được tiến hành ở nước ta như: Chế tạo pin mặt trời kích thước nhỏ bằng phương pháp bay hơi trong chân không, nhập thiết bị và lắp ráp pin mặt trời cho một số hộ dân ở Nam Bộ, các vùng hải đảo… Tuy nhiên, ở thời điểm đó, việc sử dụng năng lượng mặt trời còn hạn chế do nhiều yếu tố như: Chất lượng acqui chưa cao, tuổi thọ ngắn, chủ yếu là acqui nước…
Hiện nay, các ứng dụng năng lượng mặt trời (NLMT) trong sinh hoạt và sản xuất ở nước ta ngày càng nhiều. Ứng dụng hiệu ứng quang nhiệt, chúng ta có một số thiết bị như: Bình nước nóng NLMT, bếp năng lượng mặt trời… Với ứng dụng hiệu ứng quang điện, pin năng lượng mặt trời là thiết bị bán dẫn chứa lượng lớn các diod p-n, duới sự hiện diện của ánh sáng mặt trời có khả năng tạo ra dòng điện sử dụng được. Điện sẽ được nạp vào bình acqui và được chuyển từ hiệu điện thế 12 V một chiều lên 220 V xoay chiều để sử dụng cho các thiết bị điện.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm đèn tiết kiệm điện và dung dịch hoạt hóa, điện hóa, việc tận dụng số giờ ánh sáng mặt trời chiếu trong ngày và lượng điện năng được tạo từ pin năng lượng mặt trời phụ thuộc vào: Vị trí để pin mặt trời (hiện nay đã có nghiên cứu làm pin với kích thước nhỏ tự động quay hướng về mặt trời); cách lắp ghép các phiến tinh thể thành panel mặt trời; chất lượng các thiết bị trong hệ thống tích nạp điện… Việc sử dụng đèn led năng lượng mặt trời là một giải pháp giúp tiết kiệm điện, hiện đang được nghiên cứu, phát triển. Mới đây, đề tài “Nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống cột đèn chiếu sáng công cộng bằng đèn led và năng lượng mặt trời”, do Xí nghiệp thiết bị điện, điện tử (Công ty Z181, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng) thực hiện cũng được Hội đồng khoa học cấp thành phố Hà Nội đánh giá cao và đề xuất UBND TP. Hà Nội phê duyệt dự án sản xuất thử nghiệm để đưa vào sử dụng.
Có thể nói, năng lượng mặt trời ngày càng thâm nhập vào các lĩnh vực trong cuộc sống và cần được quan tâm ứng dụng nhiều hơn nữa. Một trong những cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp và người dân biết đến nhiều thiết bị ứng dụng năng lượng mặt trời là Triển lãm về các sản phẩm tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo - Encon Expo 2010, lần 2, từ ngày 25 đến 28/11, tại thành phố Hồ Chí Minh. Với hơn 300 gian hàng từ 40 doanh nghiệp nước ngoài và hơn 200 doanh nghiệp trong nước, Triển lãm Encon Expo 2010 sẽ giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp và ý tưởng về hiệu quả năng lượng thuộc các lĩnh vực như công nghiệp, tòa nhà, thiết bị gia dụng, giao thông vận tải, xây dựng, chiếu sáng công cộng, năng lượng tái tạo. Ngoài ra, sẽ có các cuộc đối thoại, gặp gỡ, giao lưu giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, giữa các nhà sản xuất trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài.
Hy vọng, với nhiều nỗ lực từ các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức và mỗi cá nhân, việc sử dụng năng lượng mặt trời – nguồn năng lượng sạch sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới.
Chương trình 20.000 bình nước nóng năng lượng mặt trời trong giai đoạn 2010-2011
- Năm 2010: dự kiến 10.000 bình (chưa kể 3.000 bình thuộc chương trình của Bộ Công Thương)
- Mục tiêu Tiết kiệm 18,75 triệu kWh/năm
- EVN hỗ trợ khách hàng 1 triệu VND/bộ bình nước nóng NLMT.
|