Ông Trần Văn Ngọc
|
Khó, khổ vẫn làm tốt công tác từ thiện xã hội
Phóng viên (PV): Thưa ông, ông đã gắn bó với công đoàn ngành Điện bao nhiêu năm?
Ông Trần Văn Ngọc: Tôi có 31,5 năm chuyên trách công đoàn.
PV: Trong suốt thời gian đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN có những bước thăng trầm, vậy các chương trình, dự án hướng về cộng đồng, hỗ trợ người nghèo của tập thể CBCNV Tập đoàn trong giai đoạn khó khăn được duy trì, tổ chức như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Văn Ngọc: Phải nói là ngay từ khi tiếp quản cơ sở vật chất điện lực sau chiến tranh, ngành Điện đã tập trung thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó là đảm bảo cung ứng điện phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất. Đến năm 2014, EVN mới chính thức công bố đã cung cấp đủ điện và có dự phòng, như vậy nghĩa là bao nhiêu năm qua, chúng ta luôn ở trong tình trạng cung không đủ cầu. Cán bộ, công nhân ngành Điện luôn phải làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng anh em lúc nào gắn bó đoàn kết, trọng tình trọng nghĩa, chia sẻ mọi gian nan, cực khổ. Những người ốm đau, bệnh tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của tập thể. Sự hy sinh, công sức của những thế hệ đi trước luôn được các thế hệ sau trân trọng, giữ gìn. Không những thế, chúng ta còn tham gia, tổ chức nhiều chương trình tình nguyện, làm tốt công tác xã hội, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với các gia đình chính sách…
PV: Khó khăn gian khổ mấy cũng vẫn đoàn kết, trọng tình trọng nghĩa, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, truyền thống quý báu này xuất phát từ đâu, thưa ông?
Ông Trần Văn Ngọc: Theo tôi, ngành Điện có 3 truyền thống tốt đẹp cần phải nhắc đến. Trước hết, đó là tinh thần lao động sáng tạo, vượt khó vươn lên hoàn thành mọi nhiệm vụ trong chiến tranh và ngay cả khi đất nước hòa bình, đi vào giai đoạn xây dựng, phát triển. Thứ hai, đó là sự tuân thủ, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Đảng và Nhà nước, trên dưới một lòng, đoàn kết chặt chẽ, nghiêm túc thực hiện mọi nhiệm vụ được giao. Và thứ ba, là truyền thống tương thân, tương ái, “uống nước nhớ nguồn”.
Sản phẩm của ngành Điện là sản phẩm mang tính xã hội rất cao, không phải là một sản phẩm tiêu dùng thuần túy. Điện phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân và phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Công tác đưa điện về các thôn bản vùng cao, về vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy văn hóa, kinh tế phát triển, an ninh, chính trị đảm bảo hơn nhiều. Từ trong nhận thức, cán bộ, công nhân ngành Điện đã luôn tâm niệm lao động sản xuất ra dòng điện là thực hiện nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó, không thuần túy là một hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận. Với nhận thức này, cán bộ, công nhân ngành Điện luôn cố gắng hết sức để chất lượng phục vụ ngày một tốt hơn.
Ngành Điện là vì Đảng vì dân phục vụ nên các hoạt động tình nguyện, làm công tác xã hội, giúp đỡ các cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, công tác đền ơn đáp nghĩa… đều xuất phát từ trái tim, hết sức tự nhiên, như là đã ăn sâu bén rễ vào suy nghĩ, nhận thức của mọi cán bộ, công nhân.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
PV: Từ quan điểm của một người từng làm Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam, theo ông, chúng ta nên nhìn nhận thế nào về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng?
Ông Trần Văn Ngọc: Trước hết, tôi cho rằng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nên được nhìn nhận ở những khía cạnh, tiêu chí cụ thể như: Thực hiện tốt các nhiệm vụ của chính trị của Đảng và Nhà nước; Thực thi văn hóa, ứng xử có đạo đức với người lao động, thể hiện thái độ biết ơn, quan tâm đối với những thế hệ đi trước…Đảm bảo cho các sản phẩm cung ứng ra thị trường phải đạt chất lượng, chăm sóc quyền lợi của khách hàng – đó là tự thân doanh nghiệp đã thực hiện trách nhiệm xã hội của mình trước cộng đồng.
Tuy nhiên, ngoài việc tập trung sản xuất kinh doanh, hoàn thành kế hoạch giao và chăm lo đời sống người lao động, doanh nghiệp còn phải có trách nhiệm thực hiện tốt công tác xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa. Là một doanh nghiệp lớn, EVN trong nhiều năm qua đã tích cực triển khai những chương trình từ thiện xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho nhân dân địa phương và đồng bào các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, phát huy truyền thống tương thân tương ái, “uống nước nhớ nguồn”. Những hoạt động này của EVN như là một trong những nhân tố đi đầu, thúc đẩy các cơ quan, đơn vị khác cùng chung tay thực hiện công tác xã hội. Chỉ tính từ năm 2003 đến năm 2013, EVN đã đóng góp số tiền hơn 300 tỷ đồng cho các quỹ an sinh xã hội. Hàng loạt những chương trình chăm sóc gia đình chính sách, người có công, xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, xây dựng nhà tình nghĩa, trường học, bệnh xá, hải đảo… đều được thực hiện từ nguồn quỹ phúc lợi của Tập đoàn.
PV: Thực tế là có không ít doanh nghiệp làm công tác xã hội từ thiện để PR, quảng bá hình ảnh. Họ chỉ làm từ thiện khi ra mắt sản phẩm mới để lôi kéo sự chú ý của công chúng, hoặc làm theo chiến dịch, phong trào… Với EVN thì sao, thưa ông?
Ông Trần Văn Ngọc: Như tôi đã nói ở trên, về bản chất của ngành Điện, hoạt động không chạy theo lợi nhuận, không vì mục đích kinh doanh thu lợi nên những hoạt động công tác xã hội từ thiện của EVN cũng không nhằm mục đích PR, quảng bá sản phẩm. Những người làm điện đã luôn gắn bó với cuộc sống của người dân, đặc biệt là những nơi vùng cao, vùng sâu, xa. Gặp thiên tai, bão lũ, cũng có sự góp sức của những người thợ điện giúp dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Đây là nề nếp, truyền thống của ngành Điện trong hàng chục năm qua chứ không phải căn cứ vào sự vụ hay chiến dịch nào để PR tạo hình ảnh, quảng bá cho sản phẩm. Đặc biệt, việc thực hiện công tác xã hội từ thiện của EVN có sự thống nhất từ trên xuống dưới, cán bộ, công nhân có ý thức, trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng, vì sự phát triển của cộng đồng. Điều này đã được Đảng và Nhà nước, dư luận xã hội cả nước ghi nhận, đánh giá cao.
PV: Ông có thể chia sẻ những câu chuyện, kỷ niệm vui, buồn trong các chuyến đi làm công tác xã hội?
Ông Trần Văn Ngọc: Tôi cảm thấy vui khi đã góp phần chia sẻ, giúp những người trong hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ mất việc, bệnh tật, ốm đau giảm bớt gánh nặng, khó khăn trong cuộc sống. Có rất nhiều trường hợp khi được trao nhà tình nghĩa, họ xúc động không nói được lời nào, chỉ biết khóc. Cả cuộc đời làm không đủ ăn, nhà cửa xiêu vẹo, dột nát, nếu không được tặng nhà tình nghĩa thì không biết đến bao giờ họ mới có được một mái ấm đúng nghĩa. Hoặc những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo nhưng không đủ tiền chạy chữa, thuốc thang, ngày ngày phải chịu dằn vặt, đau đớn… Giúp được nhiều hoàn cảnh như vậy không chỉ là việc làm thể hiện tinh thần nhân văn đẹp đẽ, tương thân tương ái, mà còn có ý nghĩa thiết thực góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân địa phương.
PV: Xin cảm ơn ông!