Tết của thợ đường dây và trạm vùng Tây Bắc: Chỉ sợ… không có điện

Những công nhân vận hành đường dây và trạm vùng rẻo cao Tây Bắc dường như khó có được một cái Tết trọn vẹn bên người thân theo đúng nghĩa. Song, họ vẫn luôn quan niệm: Không sợ khó, không sợ khổ, chỉ sợ… không có điện

8 năm ăn tết trên… tuyến đường dây và trạm.

13 năm gắn bó với nghề truyền tải điện, từ một công nhân vận hành đến Đội trưởng Đội Kinh doanh và sản xuất số 1, phụ trách 5 xã khu vực Chiềng Khương (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), ít nhất đã có 8 năm, Lê Quốc Huy đón Tết trên tuyến đường dây, cùng những công nhân vận hành mà không được sum họp bên gia đình. Anh chia sẻ một cách đơn giản: “Thời gian đó có đáng bao nhiêu so với nhiều cán bộ, công nhân ngành Điện khác. Dù là ngày thường, ngày nghỉ, hay lễ Tết, niềm vui của chúng tôi là mang ánh sáng điện đến cho người dân”.

Nhớ lại khi còn là công nhân vận hành đường dây và trạm biến áp, trong những ngày mọi người vui Tết, đón Xuân, Lê Quốc Huy lại vắt vẻo trên lưng chừng núi, lúc thì hun hút trong thung lũng sâu... Lý giải điều này, anh Huy chia sẻ, từ trung tâm xã Chiềng Khương đến điểm cấp điện xa nhất là 70 km giáp với nước bạn Lào. Ở đó, đường bê tông chưa có. Nếu mùa khô, các anh chỉ đi mất hơn hai giờ đồng hồ thì vào mùa mưa, thời gian đi gấp 3 lần. Đó là chưa kể những đêm giá rét đến “cắt da, cắt thịt” ở miền núi rừng Tây Bắc thì còn khó khăn vất vả hơn nhiều.

Bên cạnh đó, sự bất đồng về ngôn ngữ với người dân địa phương cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của anh. Có lúc phải mất đến 3 – 4 giờ đồng hồ chỉ để giải thích cho người dân địa phương hiểu sự cố điện ở đâu và sửa chữa thế nào, thậm chí phải tìm “trợ lý” ngôn ngữ từ các trưởng thôn, trưởng bản. Song, “không sợ khó, sợ khổ, chỉ sợ không có điện”, người thợ điện Sơn La này luôn sẵn sàng làm việc 24/24 giờ, tái cấp điện cho bà con trong thời gian sớm nhất. Cũng vì vậy, “đã không ít lần những người thợ điện miền núi cao như chúng tôi ăn Tết bên đường dây và trạm biến áp ”, anh Huy cười hóm hỉnh.

Còn khi đã là Đội trưởng Đội kinh doanh và sản xuất số 1, với vai trò và trách nhiệm mới càng đòi hỏi Lê Quốc Huy sẵn sàng có mặt mọi lúc, mọi nơi, cùng anh em, công nhân vượt qua mọi khó khăn, vất vả, cấp điện ổn định cho bà con các dân tộc vui Xuân đón Tết. Lê Quốc Huy bày tỏ: “Để có thể đến được các điểm sửa chữa, sớm cấp điện trở lại cho bà con, đặc biệt trong những ngày Tết, cần lắm sự nhiệt tình, trách nhiệm của người công nhân điện”.

Người thợ điện vùng cao Sơn La sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ, bất kể ngày thường hay lễ tết

Vừa đóng điện vừa tranh thủ ăn Tết

Chuyển từ Điện lực Mường La về Điện lực Sông Mã (thuộc Công ty Điện lực Sơn La), đã 8 năm, Cầm Văn Thương cũng chưa có một cái Tết hoàn hảo. Anh quan niệm, công nhân vận hành đường dây và trạm biến áp cũng giống như người lính, ngày Tết chính là cao điểm trực chiến, giữ cho dòng điện vận hành an toàn, thông suốt.

Còn nhớ những ngày giáp Tết Quý Tỵ năm 2013, khi thực hiện Dự án cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc chưa có điện tỉnh Sơn La, đã 28, 29 Tết mà công việc vẫn còn ngổn ngang. Công nhân Điện lực hạ quyết tâm phải hoàn thành đóng điện trước Tết Nguyên đán, để bà con vui Xuân.Vì vậy, làm ngày không đủ, anh em công nhân điện  còn tranh thủ làm cả đêm. Tối 30 Tết, chỉ cách Giao thừa chừng một giờ đồng hồ, điện đã được tỏa sáng khắp buôn làng.

Chị Nguyễn Thị Dần, xã viên Hợp tác xã Thắng Lợi, xã Chiềng Sơ, huyện sông Mã chia sẻ: “Đã mấy chục năm lên đây xây dựng nông thôn mới, cuộc sống không có điện khổ sở vô cùng. Ngày có điện lại vào đúng đêm Giao thừa, thật cảm động và vui sướng, nghẹn ngào không nói lên lời. Bây giờ, gia đình tôi đã có ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện... Có điện vui sướng lắm”. Trong câu chuyện với người phụ nữ đã gắn bó cả cuộc đời với vùng rẻo cao này, tôi đã cảm nhận rất rõ  được niềm hạnh phúc thật hết sức giản đơn của người dân nơi đây: Được sử dụng điện lưới quốc gia!

Anh Cầm Văn Thương còn cho biết thêm, đóng điện xong không có nghĩa là công việc đã hoàn thành mà các anh còn phải tiếp tục trực chiến tại thôn, bản để theo dõi quá trình vận hành, kịp thời khắc phục nếu xảy ra sự cố. “Biết chúng tôi không kịp trở ra tổ trực cụm xã Chiềng Khương cách đó vài chục km để đón Giao thừa, bà con dân bản sẵn sàng mời anh em chúng tôi ở lại cùng vui Xuân, đón Tết. Đó là niềm hạnh phúc của những công nhân điện” anh Cầm Văn Thương xúc động nói.

Một mùa Xuân nữa lại về. Trong khi mọi người đang quây quần bên nồi bánh chưng xanh hay xúng xính váy áo đón Xuân thì thấp thoáng trên lưng chừng núi hay giữa các bản làng xa xôi, những người thợ áo cam vẫn ngày đêm cần mẫn mang ánh sáng đến cho mọi miền đất nước.
 


  • 21/02/2015 06:17
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3128


Gửi nhận xét