Nhập khẩu than cho nhiệt điện giai đoạn 2016-2020: Còn nhiều việc phải làm!

Từ nay đến năm 2020, nhu cầu sử dụng than làm nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện là rất lớn, trong khi sản lượng khai thác than trong nước lại tăng không đáng kể. Vì vậy, dự báo tình hình cung ứng than cho sản xuất điện giai đoạn 2016 - 2020 sẽ rất khó khăn.

Năm 2020: Thiếu than trầm trọng 
 
Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ đầu năm 2012. Sau 3 năm thực hiện, Quy hoạch Than đã phát huy hiệu quả, đảm bảo cung cấp đủ than cho phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng, đòi hỏi nhu cầu sử dụng than ngày càng nhiều, trong khi nguồn than ngày càng  cạn kiệt, điều kiện thăm dò khai thác ngày càng xuống sâu làm cho suất đầu tư lớn. Vì vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu than; đặc biệt là than làm nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện. 
 
Ông Lê Văn Duẩn - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư mỏ và Công nghiệp- Vinacomin - Đơn vị được Bộ Công Thương giao tư vấn, lập Dự án Quy hoạch  Than (điều chỉnh ) cho biết, trong những năm tới, tình hình cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện sẽ vô cùng căng thẳng. Đến năm 2017, Việt Nam sẽ bắt đầu thiếu than cho sản xuất điện và đến năm 2020 sẽ thiếu trầm trọng.
 
Tại Hội thảo “Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, triển vọng đến năm 2030 điều chỉnh” được tổ chức vào đầu tháng 9 vừa qua, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, nhu cầu than cho sản xuất điện trong những năm tới chiếm tỉ trọng tương đối lớn. Cụ thể, đến năm 2017, dự kiến các nhà máy nhiệt điện cần khoảng 38,3 triệu tấn than và đến năm 2020, sẽ là 70 triệu tấn. 
 
Nói về nhu cầu than dành cho nhiệt điện trong giai đoạn tới, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định, sản lượng than của nước ta hiện nay tính cả TKV và Tổng công ty Đông Bắc (Đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng) dao động khoảng 40 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, theo kế hoạch khai thác của TKV, sản lượng than hàng năm tăng không đáng kể (khoảng 10 triệu tấn /năm) và đến năm 2020 tổng sản lượng khai thác than đạt khoảng 50 triệu tấn. 
 

Cảng than Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân - Ảnh: Minh Ngọc

 
Nhập khẩu than vẫn khó…
 
Từ năm 2017, Việt Nam bắt buộc phải nhập khẩu than. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc nhập khẩu than vẫn còn nhiều trở ngại. “Câu chuyện nhập khẩu than hiện tại và trong tương lai sẽ rất khó khăn vì ngoài khối lượng than, còn phải chú ý đến chủng loại than, chất lượng than, giá cả. “Quy hoạch phát triển Than phải tính tới yếu tố phát triển bền vững. Lựa chọn sản lượng khai thác than như thế nào cũng cần tính toán cho phù hợp, gắn liền với chiến lược nhập khẩu của Ngành cũng như cả nước”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) Nguyễn Khắc Thọ cho biết.
 
Theo ông Lê Văn Duẩn, TKV vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhập khẩu than. Hiện nay, có 4 thị trường tiềm năng có thể nhập than cho Việt Nam là: Australia, Indonesia, Nga và Nam Phi. Ngoại trừ Indonesia có giá cả phải chăng, 3 thị trường còn lại chi phí vận chuyển rất cao. Tuy nhiên, Indonesia chỉ là thị trường ngắn hạn, vì trong tương lai, nhu cầu sử dụng than nội địa của nước này cũng tăng cao.
 
Đó là chưa kể, ngay cả khi nhập khẩu được than, Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Cụ thể, than nhập khẩu theo đường biển bằng những tàu trọng tải lớn nên chỉ thích hợp với những nhà máy điện ở ngay bờ biển và có cảng nước sâu. Còn những nhà máy điện ở sâu trong nội địa hoặc không có cảng nước sâu, cần có các cảng trung chuyển từ tàu lớn sang sà lan có trọng tải nhỏ hơn (từ 5.000 - 10.000 tấn) và thường xuyên phải đầu tư nạo vét luồng lạch để bảo đảm lưu thông...
 
Phó tổng giám đốc EVN – ông Ngô Sơn Hải cho rằng, bên cạnh việc nhập khẩu than, ngành Than cũng cần chú ý đến vấn đề quy hoạch, nâng cấp các cảng than khu vực phía Nam. Hiện nay, việc cung ứng than tại các cảng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Ở một số cảng, tàu trọng tải lớn không vào được, trong khi nhu cầu than rất cấp bách. Ngoài ra, ngành Than cũng cần có các kho than dự trữ ở khu vực phía Nam, đề phòng các trường hợp rủi ro như mưa, bão... Hiện nay, tuy các nhà máy điện đều có kho dự trữ than (cho khoảng 20-30 ngày chạy máy), nhưng khi xảy ra các sự cố lớn như mưa bão, lũ lụt kéo dài..., việc cấp than cho nhiệt điện sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 
 
Ông Khuất Mạnh Thắng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV): Theo dự báo, nhu cầu sử dụng than cho sản xuất và tiêu dùng của các hộ trong nước sẽ ngày càng tăng cao. Năm 2020 là trên 88 triệu tấn; năm 2025 là 133 triệu và đến 2030 là 178 triệu tấn. Từ năm 2017, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than.
 


  • 24/11/2015 02:33
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 6318


Gửi nhận xét