Nhiệt điện than vẫn giữ vị trí quan trọng

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 279/TB-VPCP (ngày 17/8/2015) truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về các giải pháp xử lý, sử dụng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện.

Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên thế giới không ngừng tăng lên trong tốc độ phát triển của nền kinh tế xã hội. Các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh khối… có nhiều ưu điểm và được khuyến khích phát triển nhưng các nguồn năng lượng này hiện nay mới chiếm tỷ lệ nhỏ trong nhu cầu năng lượng toàn cầu (năm 2014 chiếm khoảng 9,3% tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp toàn cầu). Nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu vẫn dựa trên các nguồn nhiên liệu hóa thạch (than, dầu mỏ, khí đốt). Năm 2014, thế giới tiêu thụ trên 8,1 tỷ tấn than, chiếm 30% tổng năng lượng sơ cấp tiêu thụ toàn cầu. 

Các nhà máy nhiệt điện than vẫn giữ vai trò quan trọng trong hệ thống điện - Ảnh Minh Nguyên

Đối với ngành năng lượng của Việt Nam, năm 2014 tiêu thụ khoảng 34 triệu tấn than, chiếm 26% tổng năng lượng sơ cấp; các nhà máy nhiệt điện than sản xuất trên 35 tỷ kWh chiếm 25% tổng sản lượng điện toàn quốc. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Việt Nam vẫn cần sử dụng nguồn nhiên liệu than, ngoài than khai thác trong nước, Việt Nam còn phải nhập khẩu than cho sản xuất điện và nhu cầu năng lượng các ngành công nghiệp.

Theo Phó thủ tướng, để đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội, ngoài việc ưu tiên phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, các nhà máy điện sử dụng khí đốt, chúng ta vẫn cần phát triển các dự án nhà máy nhiệt điện đốt than.

Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về phát triển vật liệu xây dựng không nung để từng bước thay thế gạch đất sét nung; về xử lý tro xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm diện tích đất dùng làm bãi chứa chất thải tro xỉ và góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên làm vật liệu xây dựng, bảo đảm phát triển bền vững. Tuy nhiên, thói quen sử dụng gạch nung, chưa quen sử dụng gạch không nung của các hộ dân và cả nhiều doanh nghiệp xây dựng là rào cản lớn trong việc sử dụng tro xỉ.

 Để thực hiện tốt công tác xử lý tro xỉ các nhà máy nhiệt điện, Phó Thủ tướng giao:

- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Thông tin và Truyền thông và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các lợi ích của việc sử dụng tro xỉ trong các nhà máy nhiệt điện; phổ biến các mô hình, cách làm hay trong xử lý tro xỉ mà một số nhà máy nhiệt điện, một số địa phương và một số doanh nghiệp đã thực hiện.

Chỉ đạo từng nhà máy nhiệt điện than hiện có và các dự án đang xây dựng phối hợp với UBND các tỉnh, các doanh nghiệp,… xây dựng phương án xử lý, sử dụng tro xỉ tại các nhà máy điện để san lấp, làm đường giao thông nông thôn, vật liệu xây dựng,… phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Trong đó tập trung chỉ đạo các dự án nhà máy nhiệt điện đang có yêu cầu cấp thiết về vấn đề này, bao gồm: Vĩnh Tân 2, An Khánh 1, Vũng Áng 1, Sông Hậu 1 và Long Phú 1.

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, trên cơ sở các cơ chế, chính sách ưu đãi trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đối với các dự án bảo vệ môi trường; các cơ chế, chính sách quy định tại Quyết định số 1696/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn các doanh nghiệp phát thải, xử lý và các doanh nghiệp sử dụng tro xỉ về các cơ chế, chính sách được ưu đãi, hỗ trợ khi thực hiện các dự án xử lý, sử dụng tro xỉ tại các Nhà máy nhiệt điện. Đồng thời chỉ đạo nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới về các công nghệ xử lý, sử dụng tro xỉ trong các lĩnh vực, đề xuất công nghệ ưu tiên áp dụng tại Việt Nam. 

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn các cơ chế, chính sách được ưu đãi, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp có sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng, xem xét, xây dựng để ban hành hoặc công bố áp dụng đầy đủ các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật đối với tro xỉ sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau: Vật liệu gia cố nền đất, san lấp, đắp đất, làm đê, kè; làm vật liệu trong xây dựng công nghiệp (công trình cầu cảng, công trình thủy lợi,…), công trình dân dụng (xây trát, chống thấm,...); sản xuất vật liệu xây dựng (gạch không nung, bê tông bọt, gạch bê tông khí chưng áp, gạch ốp lát…).

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nghiên cứu, đánh giá các ảnh hưởng, tác động đến môi trường trong quá trình xử lý, sử dụng tro xỉ; đề xuất các giải pháp cần thực hiện để các hoạt động xử lý, sử dụng tro xỉ đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các quy định hiện hành. Đồng thời tổ chức thường xuyên việc kiểm tra, giám sát đối với các nhà máy điện có phát thải tro xỉ để đảm bảo các nhà máy thực hiện đúng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt.

Phó Thủ tướng yêu cầu EVN, TKV, PVN khẩn trương phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp liên quan xây dựng phương án xử lý, sử dụng tro xỉ trong các nhà máy nhiệt điện trong Tập đoàn, gửi Bộ Công Thương tổng hợp.

 


  • 19/08/2015 03:47
  • Minh Nguyên
  • 3661


Gửi nhận xét