Nhởn nhơ trộm cắp điện khủng: Chưa thấy án tù, chưa sợ

Tình trạng trộm cắp điện năng trên địa bàn TP.HCM đã đến mức báo động, ngành Điện thiệt hại hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Điều đó, đòi hỏi cơ quan chức năng vào cuộc với chế tài đủ sức răn đe.

Thủ đoạn tinh vi

Theo thống kê, từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn TP.HCM có hơn 700 trường hợp trộm cắp điện bị phát hiện. Tổng công ty Ðiện lực TP. HCM (EVN HCMC) đã xử lý, truy thu số tiền khoảng 13,6 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2012, đã có đến 1.353 trường hợp khách hàng gian lận điện với sản lượng hơn 12 triệu kWh, số tiền xử lý truy thu lên tới hơn 28,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là "bề nổi" của tảng băng chìm, còn thực tế,số  vụ trộm cắp điện có thể lớn hơn nhiều .

Các hành vi trộm cắp điện chủ yếu là lấy cắp điện trước hệ thống đo đếm, khoan lỗ điện kế, phá hoặc làm giả chì niêm phong, cô lập tín hiệu đo đếm, sử dụng nam châm đặt trên điện kế, sử dụng máy tạo dòng, câu trực tiếp... Trong đó, hình thức vi phạm chiếm tỷ lệ cao nhất là lấy cắp điện trước hệ thống đo đếm (hơn 37%) hoặc tác động trực tiếp vào hệ thống đo đếm bằng cách khoan lỗ điện kế, phá hoặc làm giả chì niêm phong, cô lập tín hiệu đo đếm (chiếm gần 30%).

Nhân viên điện lực kiểm tra chỉ số điện kế tại nhà một hộ dân ở quận Phú Nhuận - Ảnh CTV

Những vụ trộm cắp điện thời gian qua ở TP.HCM cho thấy thủ đoạn ngày càng tinh vi, táo tợn, đối tượng thường tìm cách thay đổi cả những tính năng hoạt động của điện kế. Thông thường, điện kế do ngành Điện cấp phát đến hộ dân là 454 vòng quay sẽ ra một số điện.

Thế nhưng, đối tượng trộm cắp có thể điều chỉnh làm chậm vòng quay đồng hồ lên đến 900 - 1.200 vòng mới thành một số điện nhờ sử dụng nam châm đặt trên điện kế.

Có nhiều trường hợp sử dụng thiết bị ăn cắp điện từ xa, thiết bị ăn cắp điện được đặt âm trong tường nhà. Lưới điện tại một số khu vực chưa hoàn chỉnh cũng tạo điều kiện cho một số đối tượng lợi dụng để câu móc sử dụng trái phép.

Theo thống kê, đối tượng gian lận điện chủ yếu là các hộ gia đình, chiếm gần 95% tổng số vụ và hơn 90% tổng số điện năng truy thu từ các vụ vi phạm sử dụng điện. Phần lớn các hộ trộm cắp điện đều sử dụng các loại máy móc tiêu hao nhiều điện năng như tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa... Ngoài ra, đối tượng trộm cắp điện còn là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

Cần chế tài đủ mạnh

Việc xử lý bằng biện pháp hình sự đủ sức  răn đe vẫn còn nan giải do các quy định pháp lý chưa đồng bộ, vướng thủ tục, thiếu sự  phối hợp liên ngành.

Trong gần 700 vụ trộm cắp điện bị phát hiện trong 8 tháng đầu năm 2013 ở Thành phố, hơn hai phần ba trường hợp ăn trộm hơn 3.000 kWh, đủ điều kiện chuyển cho cơ quan pháp luật xử lý hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự. Một trong những khó khăn là việc tiếp cận kiểm tra rất khó, vì hầu hết hệ thống đo đếm đặt trong phạm vi quản lý của khách hàng. Các đối tượng chủ động trộm điện luôn chuẩn bị mọi tình huống để có thể phi tang  mỗi khi có đoàn kiểm tra.

Phó tổng giám đốc EVN HCMC Nguyễn Văn Lý cho rằng, điều đáng lo ngại nhất là trong lúc số lượng và hành vi gian lận, trộm cắp điện ngày càng nghiêm trọng hơn, các đối tượng sử dụng thiết bị, kỹ thuật tinh vi, hiện đại hơn để trộm điện, nhưng ngành Điện mới chỉ có thể phạt truy thu tiền, nặng nhất cũng mới truy thu 25 - 30 triệu đồng/trường hợp.

Trong khi đó, theo Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực, Bộ Công Thương đề xuất phạt nặng hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức để phục vụ mục đích sinh hoạt, mức phạt tiền từ hai đến 50 triệu đồng. Các hành vi trộm cắp điện vì mục đích khác có thể bị phạt từ năm đến 50 triệu đồng. Ngoài hình thức xử phạt hành chính, các cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện dùng để vi phạm.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, do thủ tục pháp lý còn vướng nên khó truy tố trách nhiệm hình sự. Thông thường, các vụ trộm cắp điện là do nhân viên ngành Điện phát hiện, lập biên bản phạt truy thu tiền điện, trong khi đó để có cơ sở xử lý hình sự thì thẩm quyền lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính phải là cơ quan chức năng có thẩm quyền như công an, chính quyền địa phương.

Ðó là chưa kể chỉ có Trung tâm giám định của ngành Điện lực mới có thể giám định công cụ gian lận điện. Do đó, ngành Điện nên mời công an hoặc chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm hành chính mỗi khi phát hiện và nên tập trung truy tố trách nhiệm hình sự đối với vài trường hợp trộm cắp điện trong sản xuất công nghiệp, câu điện trực tiếp không qua đồng hồ với lượng điện gian lận hơn 3.000 kWh.

Ðầu tháng 10/2013, UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với EVNHCMC và UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện đúng trình tự và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực; biên bản vi phạm hành chính phải do người có thẩm quyền lập. Lãnh đạo Thành phố yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với 500 kiểm tra viên của Điện lực và công an địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiêu thụ điện.

UBND Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần thực hiện đầy đủ các thủ tục để chuyển hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng ngay trong quý IV năm 2013. Sở Công Thương có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý hành vi mua bán các thiết bị được dùng để trộm cắp điện.

Việc giám định thiệt hại, thiết bị gian lận điện cũng là một vấn đề pháp lý quan trọng để xử lý hình sự nạn trộm cắp điện. UBND Thành phố đã yêu cầu, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Tiêu chuẩn Ðo lường Chất lượng 3 thực hiện giám định thiệt hại, giám định thiết bị trộm cắp điện khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; kiểm tra thường xuyên các thiết bị điện; tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm tránh thất thoát làm thất thu ngân sách.


  • 23/10/2013 03:08
  • Theo Nhân dân
  • 3722


Gửi nhận xét