Trong cái nóng bức tột cùng, trong cái khô khốc của đất trời, những người lính truyền tải điện 4 đang dồn hết tâm lực để hoàn thành công việc lắp đặt nâng công suất máy biến áp từ 450 MVA lên 900 MVA TBA 500 kV Ô Môn đáp ứng nhu cầu sử dụng điện vào đỉnh điểm mùa khô cho khu vực miền Nam.
Có mặt tại công trường TBA 500 kV Ô Môn trong những ngày nắng đỏ lửa cuối tháng 4, chúng tôi mới cảm nhận được tinh thần làm việc của những người lính truyền tải điện. Để đáp ứng tiến độ đưa TBA vào vận hành cuối tháng 5, Công ty Truyền tải điện 4 phải tăng cường nhân lực làm việc liên tục 3 ca , kể cả ngày chủ nhật và những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Công trình nâng công suất TBA 500 kV Ô Môn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo điện cho miền Nam trong mùa khô năm nay - Ảnh: Trung Hiếu
|
Anh Võ Thanh Cường - Trưởng phòng Đầu tư xây dựng (PTC 4), cho biết: “Ở đây tiến độ các hạng mục đều phải rút ngắn nhất có thể và gấp rút hơn nhiều so với các dự án Công ty đã thực hiện. Rất may là anh em kỹ sư, công nhân ừng kinh qua công việc lắp đặt và công tác vận hành máy biến áp, nên đã đúc kết nhiều kinh nghiệm, cải tiến qui trình một số bước lắp đặt cho phù hợp với thực tế nên có thể lắp đặt 3 máy biến áp, cả thí nghiệm hiệu chỉnh trong vòng hơn 1 tháng”.
Dưới cái nắng chói chang, mới khoảng 10 giờ sáng, nhiệt độ trên mặt máy đã lên tới 45 độ C, anh em công nhân vẫn cần mẫn thi công lắp đặt máy biến áp, phần nhất thứ, nhị thứ. Theo kế hoạch đăng ký thi đua với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, công trình “Nâng công suất Trạm biến áp 500 kV Ô Môn” sẽ được hoàn thành đưa vào vận hành trước ngày 30/6/2015. Tuy nhiên, do tính chất cấp bách của dự án, công trình đưa vào vận hành được sớm ngày nào, giờ nào đều đem lại được hiệu quả thiết thực về kinh tế ngày, giờ đó.
Có lẽ xác định được tính cấp bách, hiệu quả đầu tư cũng như những khó khăn của dự án nên Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã chọn Dự án này làm Công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia lần thứ II, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và đăng ký gắn biển thi đua cấp Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 Võ Đình Thủy cho biết, công trình “Nâng công suất TBA 500 kV Ô Môn” được đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của khu vực Tây Sông Hậu, đồng thời khai thác được các nguồn điện có giá thành rẻ, tăng hiệu quả vận hành trong trường hợp Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau giảm phát (do bảo trì hoặc nguồn cấp khí có sự cố) và các nguồn điện mới trong khu vực chưa vào vận hành kịp, trong khi NMNĐ Ô Môn 1 sử dụng nguồn nhiên liệu bằng dầu nên có chi phí sản xuất cao, chủ yếu chỉ được điều động khi nguồn trên lưới bị thiếu hụt.
Đơn cử, trong giai đoạn cắt khí PM3 hàng năm 14 ngày để bảo dưỡng, sửa chữa thì sản lượng dầu cần huy động nếu chưa nâng công suất khoảng 131,2 triệu kWh, trong khi đó, nếu nâng công suất máy biến áp lên 900 MVA thì sản lượng dầu cần huy động chỉ còn khoảng 69,8 triệu kWh. Sản lượng chênh lệch khoảng 61,4 triệu kWh. Chưa kể các trường hợp sự cố khí PM3 khác, thường xảy ra từ 14 đến 15 ngày / năm, chênh lệch sản lượng từ 61,4 triệu kWh đến 71,7 triệu kWh.
Công nhân Công ty Truyền tải Điện 4 lắp đặt máy biến áp công suất 900 MVA. Ảnh: Ngọc Hà
|
Theo tính toán của EVN, tổng chênh lệch sản lượng điện trong 1 năm từ việc nâng công suất máy biến áp từ 450 MVA lên 900 MVA tại TBA 500 kV Ô Môn sẽ là 122,8 – 133,1 triệu kWh (chênh lệch đơn giá (giữa dầu và khí Cà Mau) khoảng 2.400 VNĐ/kWh), thì tổng số tiền tiết kiệm được khoảng 294,7 – 319,4 tỷ đồng/năm.
Để rút ngắn tiến độ, hàng ngày anh em cán bộ quản lý dự án phải tự lên kế hoạch làm việc và cố gắng hoàn thành các bước theo kế hoạch đề ra, cố gắng hết sức để hoàn thành và đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất. Với sự chỉ đạo sát sao quyết liệt của lãnh đạo NPT và công trình được Công ty Truyền tải điện 4 huy động thêm nguồn lực thợ có tay nghề từ một số đơn vị Truyền tải lân cận về nên có thể rút ngắn tiến độ được gần 1 tháng.
Chúng tôi rời công trường lúc 5 giờ chiều nhưng ngoài trời nắng vẫn chói chang, anh em công nhân vẫn miệt mài làm việc. Nhìn những gương mặt thấm đẫm mồ hôi và lấm lem dầu mỡ của những người thợ, tôi bỗng nghĩ về ánh điện, những ước ao của người dân vùng nông thôn và bao điều đổi thay khi có điện.
Việc rút ngắn tiến độ sẽ làm lợi hàng trăm tỉ đồng cho Nhà nước, điều ấy thật sự có ý nghĩa khi toàn ngành Điện đang thực hiện chủ trương tối ưu hóa chi phí. Nhưng quan trọng hơn là miền Tây Nam bộ sẽ được cung cấp điện an toàn, ổn định trong mùa khô này. Đấy chính là động lực quyết định cho sự thành công của người lính truyền tải.
Đó thực sự là những điều tôi cảm thấy, nhận thấy ở những người lính truyền tải điện trên công trường bỏng rát này.