“Nóng” chuyện giải tỏa công suất điện mặt trời

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) vừa công báo về khả năng giải toả công suất các nhà máy điện mặt trời (ĐMT). Theo đó, dựa trên số liệu từ các hợp đồng mua bán điện (PPA) đã được ký và đang đàm phán, thông báo danh sách các đường dây tải điện đã đầy tải và quá tải. Phóng viên Tạp chí Điện lực đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc A0 để làm rõ vấn đề này.

Ông Nguyễn Đức Cường

Phóng viên (PV): Mục tiêu của A0 khi công bố khả năng giải tỏa công suất của các nhà máy ĐMT là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Cường: Công bố này làm minh bạch thông tin và thực trạng của lưới điện, giúp các nhà quản lý và các nhà đầu tư có quyết định chính xác, để các dự án phát huy được hiệu quả; và việc vận hành hệ thống điện quốc gia ổn định, an toàn, kinh tế. Bởi hiện đang có rất nhiều nhà đầu tư ĐMT, nhưng địa bàn xây dựng nhà máy chỉ tập trung vào khu vực có nhiều nắng. Điều này có thể gây quá tải lưới điện.

Thực tế, các nhà đầu tư đến với khu vực này vào những thời điểm khác nhau, nên thường tạo ra những thắc mắc, tại sao có doanh nghiệp đầu tư vào ĐMT thì được, đến lượt tôi lại bị quá tải? Chưa kể, theo quy định, tháng 6/2019, các nhà máy ĐMT hòa lưới sẽ được hưởng giá mua 9,35 UScent/kWh, thời hạn kéo dài 20 năm. Vì vậy, A0 phải tính toán và thực hiện công khai minh bạch, giúp các nhà đầu tư hiểu được cụ thể, đường dây nào đã đầy tải, quá tải theo các dữ liệu hiện có. Chúng tôi muốn công khai thông tin để các nhà đầu tư và dư luận cùng biết.

PV: Công bố này liệu có tạo ra một “cuộc chạy đua” mới trong việc hoàn tất các thủ tục phê duyệt dự án, khẩn trương ký PPA không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Cường: Nguyên nhân dẫn đến các đường dây bị đầy tải, quá tải như công bố là do thiếu đồng bộ về quy hoạch, thiếu chính sách phát triển năng lượng tái tạo một cách hợp lý, dẫn tới thực tế các nhà đầu tư đổ xô vào làm ĐMT.

Những PPA ký được ở thời gian trước như kiểu xếp hàng mua vé xem bóng đá khi mà số chỗ ở sân chỉ là có hạn, xếp hàng trước nên mua được, xếp sau hết vé, phải đi về. Bởi vậy, để đáp ứng được nguyện vọng làm ĐMT của các nhà đầu tư tới sau, cần phải nâng cấp lưới.

Nhưng đầu tư đường dây và trạm biến áp không thể nhanh như làm nhà máy ĐMT. Rất nhiều tuyến đường dây truyền tải hiện giờ còn chưa có trong Quy hoạch điện và sẽ cần trải qua các thủ tục, quy trình về đầu tư theo quy định hiện hành với các bước như, bổ sung quy hoạch - lập dự án - phê duyệt và triển khai xây dựng... mất rất nhiều thời gian.

PV: Dư luận luôn hiểu rằng, ký được PPA tức là đã được xem xét tới phương án giải toả hết công suất của nhà máy thông qua các đường dây truyền tải hiện có. Đúng vậy không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Cường: Thoả thuận đấu nối là một phụ lục của PPA và thường được đàm phán xong trước khi ký PPA chính thức. Thoả thuận đấu nối nhằm đưa ra phương án để giải toả hết công suất và điện năng của cả đời dự án, đánh giá ảnh hưởng của dự án đối với hệ thống điện hiện có, đưa ra giải pháp giảm mức độ ảnh hưởng và cuối cùng là phân định trách nhiệm đầu tư đấu nối.

PV: Nhiều đường dây ở Ninh Thuận và các vùng lân cận đang đầy tải hoặc quá tải, trong khi Ninh Thuận được phép kéo dài thời gian hoàn thành nhà máy ĐMT đến hết năm 2020, thay vì tháng 6/2019. Liệu có xảy ra tình trạng, không có thêm dự án nào hoàn tất hồ sơ để phát điện thương mại kịp mốc này do không có lưới truyền tải không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Cường: Mặc dù ĐMT có cả mặt tích cực lẫn hạn chế trong huy động và vận hành điều độ hệ thống điện, nhưng có thêm nguồn điện nào, dù là nhỏ cũng rất quý, nhất là trong điều kiện khoảng 2 năm gần đây không có nguồn điện lớn mới nào được khởi công, bổ sung cho hệ thống. Bởi vậy, A0 rất cố gắng cân đối, nhưng không dễ với thực trạng lưới truyền tải hiện nay.

Có ý kiến, nếu quá nhiều nhà máy ĐMT ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận cùng phát lên lưới và khi không thể truyền tải hết công suất, sẽ giao cho A0 điều độ, giảm công suất các nhà máy ĐMT đến mức phù hợp. Tuy nhiên, sau khi tính toán, A0 thấy rằng, khi cần sẽ phải giảm đồng thời các nhà máy ĐMT đang cùng được đấu vào lưới quá tải, chứ không thể chỉ giảm một vài nhà máy. Như vậy, tất cả các nhà máy ĐMT sẽ đều cùng bị giảm sâu về công suất huy động so với thiết kế. Điều này sẽ làm khó cho nhà đầu tư bởi, họ đã tính toán đầu tư là dài hạn cho 20 năm (cân đối chi phí bỏ ra và thu về), trong khi thực tế không phát điện được như dự tính do lưới điện quá tải.

PV: Có khi nào khu vực được gia hạn như Ninh Thuận không đủ lưới truyền tải, còn nơi khác lại thừa lưới để truyền tải lại không được gia hạn không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Cường: Đúng là sẽ có tình trạng này xảy ra. Bởi hiệu quả của dự án ĐMT phụ thuộc nhiều vào khả năng bức xạ mặt trời tại địa điểm làm dự án, mặt bằng cho dự án... Do đó, có thể lý giải tại sao lưới ở khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận đang quá tải với sự tập trung dày đặc của các nhà máy ĐMT. Ngay ở khu vực này cũng có thể có nhà máy tuy đã có PPA, nhưng bước vào triển khai lại khó khăn, không giải phóng được mặt bằng, tiền huy động không đủ, trong khi có nhà máy khác đang chờ ký PPA lại có mặt bằng sạch và có nguồn vốn sẵn sàng để đẩy nhanh tiến độ về đích sớm.

Người ngoài ngành không hiểu, có thể nghĩ, nếu không đấu nối được vào lưới 110 kV thì chuyển sang nối vào lưới 220 kV thậm chí lên lưới 500 kV vì đường dây đó đi gần nhà máy ĐMT. Tuy nhiên, lưới điện các cấp cũng như quân cờ domino, bởi vì có đấu vào lưới 110 kV thì cũng sẽ có những chỗ phải lên lưới 220 kV và 500 kV để truyền tải đi xa tới nơi tiêu thụ. ĐMT sản xuất tập trung ở miền Trung, nhưng miền Trung không phải là nơi tiêu thụ điện lớn trên cả nước. ĐMT cũng không thể đấu nối vào các phần dành cho điện gió, bởi vị trí điện gió và ĐMT không đồng pha với nhau về mặt vị trí.

PV: Từ góc độ điều độ hệ thống điện, theo ông, liệu có giải pháp nào giải quyết vấn đề quá tải, đầy tải cho ĐMT không?

Ông Nguyễn Đức Cường: Rất khó, bởi nguồn và lưới đi với nhau, muốn thêm nguồn thì phải có lưới để tải điện. Trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, khi phê duyệt chưa tính đến sự xuất hiện của các nhà máy ĐMT cụ thể, mà chỉ mới dự báo tương lai sẽ huy động được mức công suất này từ năng lượng tái tạo. Thực tế, làn sóng đầu tư vào làm ĐMT cũng chỉ diễn ra dồn dập khi có quyết định cho phép giá mua ĐMT tương đương 9,35 UScent/kWh từ tháng 4/2017. 

Theo nguyên tắc, với sự cấp tập trong đầu tư về ĐMT như thời gian qua, các Tổng công ty điện lực vùng nhận được đề nghị đấu nối cần phải tham khảo ý kiến của công ty truyền tải điện khu vực hoặc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, bởi 1 nhà máy nhỏ 50 MW có thể không sao, nhưng 10 nhà máy thì thành 500 MW và cần lưới cao hơn để truyền tải.

Cũng có tâm lý, cứ thoả thuận đi, nếu quá tải thì giảm. Điều này nghe có vẻ hợp lý, nhưng khi đã ký PPA đại trà thì lại khác, bởi nếu có 1 doanh nghiệp với công suất 200 MW khi quá tải cần giảm huy động 50% thì doanh nghiệp vẫn còn lại 100 MW. Nhưng khi có 10 doanh nghiệp đều ký PPA với công suất lên lưới là 1.000 MW – 2.000 MW mà vẫn lưới đó, chỉ huy động được 100 MW, tất cả đều phải giảm tới 90% công suất phát. Như vậy, mỗi doanh nghiệp có khi chỉ còn 10 MW. Lúc đó, nhà đầu tư chắc chắn không thể chấp nhận.

Có tình trạng, có những dự án trước đây không chấp nhận ký PPA vì tính toán là không đủ đường truyền tải, nhưng sau đó nhà đầu tư lại đồng ý ký PPA và chấp nhận điều độ giảm khi dư cung. Sau đó, gánh nặng này lại đặt lên vai Điều độ các cấp với suy nghĩ chấp nhận thực trạng có thế thì cứ điều độ đi, giảm cùng giảm, huy động cùng huy động. Tuy nhiên, nói là vậy, chứ đâu phải điều độ dễ như vậy.

Do đó, A0 cần nhất là số liệu chính xác để điều độ được hệ thống, đặc biệt là tiến độ cụ thể các dự án ĐMT, bởi nếu cứ chủ quan là đã có PPA, nhà đầu tư sẽ xây dựng nhanh, trong khi thực tế có dự án không thể triển khai nhanh được do nhiều nguyên nhân. Nên khi cần huy động theo nhu cầu hệ thống có thể phải đổ dầu vào phát điện thay thế. Điều này khiến giá thành sản xuất điện của cả hệ thống sẽ tăng lên nhanh chóng...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


  • 27/12/2018 08:57
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 47695