Ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng giám đốc EVNNPC: Để giảm tổn thất điện năng xuống 6,9%...

Năm 2015, chỉ tiêu TTĐN của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) được EVN giao là 6,9%. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng đối với một đơn vị quản lý địa bàn rộng, phần lớn thuộc  khu vực nông thôn, miền núi. Phóng viên Tạp chí Điện lực đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng giám đốc EVNNPC về vấn đề này.

Ông Hồ Mạnh Tuấn

Phóng viên (PV): Thưa ông, năm 2014, tỷ lệ TTĐN của EVNNPC là 7,39%, cao nhất trong số 5 tổng công ty phân phối. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này?

Ông Hồ Mạnh Tuấn: Hiện nay, khối lượng lưới điện EVNNPC đang quản lý rất lớn, trong đó có nhiều đường dây, TBA 110 kV và trung áp đã vận hành nhiều năm chưa được cải tạo, nâng cấp…; riêng lưới điện 110 kV còn hơn 1.000 km đường dây tiết diện nhỏ chưa được cải tạo; hầu hết, các máy biến áp trung gian đều mang tải cao và đầy tải...

Bên cạnh đó, do  đặc thù địa hình miền núi, vùng cao trải rộng và cơ cấu phụ tải nên tính liên kết chưa cao, ít các mạch vòng. EVNNPC cũng là tổng công ty duy nhất còn tồn tại 4 cấp điện áp ở lưới điện trung áp: 35 kV, 22 kV, 10 kV và 6 kV; trong đó lưới điện 6 kV và 10 kV chiếm 21% số km. Số lượng đường dây trung áp liên thông giữa các trạm 110 kV ở hầu hết các công ty điện lực còn hạn chế.

Đặc biệt, từ năm 2008 đến cuối năm 2014, EVNNPC đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn ở hơn 4.200 xã, hầu hết hệ thống lưới điện đã xuống cấp nghiêm  trọng, chưa có vốn cải tạo, nâng cấp... Đây là những yếu tố bất lợi khi thực thi các giải pháp giảm tổn thất điện năng của EVNNPC.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng phụ tải cao, các sự cố trên lưới điện và các nhà máy thủy điện nhỏ phát công suất cao trong mùa lũ cũng làm ảnh hưởng đến tỷ lệ TTĐN của EVNNPC.

PV: Với thực trạng như trên, việc đưa tỷ lệ TTĐN về 6,9% trong năm 2015 theo yêu cầu của Tập đoàn liệu có “quá sức” đối với EVNNPC không, thưa ông?

Ông Hồ Mạnh Tuấn: Có thể nói, đưa TTĐN xuống 6,9 % trong năm 2015, giảm 0,5% so với 2014 là nhiệm vụ nặng nề đối với EVNNPC, bởi kết cấu lưới điện, chế độ vận hành, cơ cấu phụ tải, quá trình tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn… tác động rất lớn đến TTĐN của Tổng công ty. Tuy vậy, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn, EVNNPC đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, từ công tác chỉ đạo điều hành, đầu tư nâng cấp lưới điện, đến công tác quản lý kỹ thuật, quản lý kinh doanh nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm TTĐN.

PV: Cụ thể các giải pháp của EVNNPC là gì, thưa ông?
Ông Hồ Mạnh Tuấn: Với quyết tâm phải đưa TTĐN xuống 6,9% trong năm 2015,  EVNNPC đã kiện toàn lại Ban chỉ đạo giảm TTĐN với nhiều điểm mới. Theo đó, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tổng công ty làm Trưởng ban chỉ đạo, bổ sung 3 Phó Tổng giám đốc làm Phó Trưởng ban. Thành viên Ban chỉ đạo ngoài lãnh đạo các ban chuyên môn còn bổ sung thêm 27 Giám đốc Công ty Điện lực và Giám đốc Công ty Lưới điện Cao thế miền Bắc.

Mỗi Phó Tổng giám đốc chỉ đạo trực tiếp  9 công ty Điện lực và chịu trách nhiệm về chỉ tiêu TTĐN tại địa bàn mình phụ trách. Ngoài ra, Tổng công ty cũng giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị theo nguyên tắc: Những đơn vị có tổn thất điện năng trên 9% phải đưa về dưới 9%; trên 8% đưa về dưới 8%, còn những đơn vị thấp hơn tiếp tục giảm từ 0,2-0,5%. Tổng công ty còn thành lập các nhóm công tác làm việc trực tiếp tại các đơn vị có tỷ lệ TTĐN cao để phân tích, đánh giá và đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm giảm nhanh, bền vững  TTĐN ở các đơn vị này.

Ban Chỉ đạo cũng xây dựng cơ chế khuyến khích và đề xuất chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị không hoàn thành chỉ tiêu TTĐN mà không có lý do xác đáng…

Cùng với công tác chỉ đạo, điều hành, EVNNPC cũng tập trung, đẩy mạnh công tác đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác vận hành và quản lý kỹ thuật; khoanh vùng những khu vực có tỉ lệ tổn thất cao để đưa ra biện pháp xử lý.

Địa hình đồi núi cao, địa bàn trải rộng là một trong những nguyên nhân làm tăng TTĐN ở EVNNPC- Ảnh: Phan Trang

PV: Giải pháp, quyết tâm đã có. Nhưng để đưa TTĐN về 6,9% trong năm 2015, EVNNPC còn phải đối mặt với những khó khăn, thử thách gì, thưa ông?

Ông Hồ Mạnh Tuấn: Bên cạnh một số khó khăn của năm trước chưa thể giải quyết ngay được thì trong năm nay EVNNPC tiếp tục tiếp nhận lưới điện hạ áp ở hơn 300 xã nữa. Đây sẽ là áp lực làm gia tăng TTĐN của Tổng công ty. Nhận thức rõ những khó khăn, thử thách đó, EVNNPC đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tổng thể về kĩ thuật, kinh tế và quản lý, nhằm đưa TTĐN năm 2015 về dưới 6,9 % theo đúng yêu cầu của Tập đoàn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tỷ lệ tổn thất điện năng của EVN và các tổng công ty từ 2008-2014

                                                                                                                                    (đơn vị: %)

             Năm/

Đơn vị

2008

2009

2010

2011

2012

2013

2014

Dự kiến 2015

Tổng công ty Điện lực miền Bắc

6,65

8,14

8,67

8,31

8,04

7,76

7,79

6,9

Tổng công ty Điện lực miền Nam

7,27

7,06

6,56

5,51

5,64

5,44

5,51

5,2

Tổng công ty Điện lực miền Trung

7,53

7,82

8,13

7,31

7,1

6,52

5,61

6,1

Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội

7,32

7,96

8,08

7,69

7,08

6,65

5,83

6,3

Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh

6,19

6,03

5,82

5,76

5,56

4,96

5,08

4,85

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia

2,45

2,86

3,13

2,56

2,33

2,69

2,49

2,0

Toàn EVN

9,21

9,57

10,15

9,23

8,85

8,87

8,49

8,0

 

Một số giải pháp giảm tỉ lệ tổn thất điện năng của EVNNPC:

I -  Trong công tác đầu tư xây dựng:
- Ưu tiên các công trình 110 kV đấu nối với các nhà máy điện và các trạm biến áp truyền tải mới
- Cải tạo, nâng cấp, chống quá tải ở lưới điện trung, hạ áp, đặc biệt là ở các xã sau tiếp nhận có tỷ lệ TTĐN trên 15%...

II - Trong công tác vận hành và quản lý kỹ thuật:
- Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các tồn tại của thiết bị,
- Đảm bảo lưới điện vận hành an toàn theo phương thức xử lý nhanh sự cố, chống quá tải cho các đường dây, trạm biến áp;
- Hoán đổi máy biến áp giữa khu vực non và quá tải;
- Đẩy nhanh tiến độ lắp đặt và khai thác hiệu quả tụ bù trên lưới điện;
- Đảm bảo chất lượng điện áp, tiết kiệm điện tự dùng tại các trạm biến áp 110 kV...

III - Trong công tác kinh doanh:
- Theo dõi sát biến động TTĐN, từ đó, khoanh vùng và có giải pháp xử lý cụ thể cho từng trạm biến áp, từng đường dây, từng khu vực.
- Tăng cường quản lý hệ thống đo đếm điện năng, thay thế công tơ định kỳ,
- Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới trong đọc và truyền dữ liệu từ xa,
- Lắp đặt công tơ điện tử đối với các khách hàng lớn,
- Cân đảo pha các trạm biến áp công cộng,
- Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, phối hợp với các địa phương phát hiện sớm và xử lý kịp thời các hành vi trộm cắp điện…
 

 


  • 27/07/2015 09:14
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 5375


Gửi nhận xét