Phát triển năng lượng thông minh: Ưu tiên chiến lược trong chuyển đổi số quốc gia

Đây là chủ đề của hội thảo chuyên đề diễn ra ngày 2/10, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về cách mạng công nghiệp 4.0. Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm dự và điều phối phiên thảo luận bàn tròn tại Hội thảo.

Xu hướng năng lượng thông minh

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Cao Đức Phát - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, cuộc CMCN 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội cho các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam để nâng cao năng suất và rút ngắn khoảng cách phát triển.

Việc tiếp cận, nắm bắt những thành tựu công nghệ mới để đẩy mạnh công nghiệp hoá đất nước theo hướng thông minh, hiệu quả và bền vững là yêu cầu tất yếu. Trong đó, một ngành kỹ thuật cao, mang tính nền tảng trong kết cấu hạ tầng quốc gia như ngành năng lượng thì yêu cầu này càng cần thiết. 

Phát triển năng lượng thông minh đang là xu thế rõ nét và cũng là kết quả cụ thể của cuộc CMCN 4.0. Qua đó, từng bước làm thay đổi ngành năng lượng truyền thống, tạo tính đột phá trong phát triển những nguồn năng lượng, nhất là những nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, cũng như sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

“Thực hiện tốt chuyển đổi số quốc gia, trong đó có chuyển đổi số trong ngành năng lượng, là nền tảng quan trọng để phát triển năng lượng thông minh theo hướng bền vững, và hiệu quả" – ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Ông Cao Đức Phát - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương (giữa) chủ trì Hội thảo

Theo ông Lê Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cùng với xu hướng phát triển CMCN 4.0 toàn cầu, ngành năng lượng Việt Nam đã không ngừng phát triển và liên tục cập nhật, áp dụng công nghệ mới, có mức tự động hoá cao trong vận hành, thu thập dữ liệu, giám sát, cảnh báo, điều khiển xa, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,...

Khi Việt Nam tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) với tỷ trọng ngày càng lớn vào vận hành hệ thống điện, thì việc áp dụng CNTT, tự động hoá càng trở thành điều kiện tiên quyết đối với việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy cũng như đảm bảo vận hành an toàn, kinh tế hệ thống điện.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong quản lý năng lượng

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, trong khu vực Đông Nam Á hiện nay, hệ thống điện Việt Nam đứng thứ nhất về đường dây truyền tải, đứng thứ hai về quy mô công suất nguồn điện và sản lượng điện thương phẩm, đứng thứ ba về tổn thất điện năng và được xếp hạng tư về chỉ số tiếp cận điện năng. 

Trong đó, tới hết tháng 6/2019, tổng công suất nguồn điện toàn quốc là 53.326 MW, trong đó các nguồn điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối) là 5.038 MW, chiếm tỷ trọng 9,5%.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm phát biểu tại Hội thảo

Để vận hành hiệu quả hệ thống điện có quy mô hàng đầu Đông Nam Á, EVN đã sớm thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt đã nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ, triệt để và hiệu quả công nghệ số, công nghệ thông tin và tự động hóa (bao gồm nhưng không giới hạn ở IoT, AI, Big data, Blockchain,..) vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN.

Có 41 đề án, nhiệm vụ thành phần thuộc Đề án CMCN 4.0 của Tập đoàn đang được triển khai. “Tập đoàn đã đề những phương án thực hiện khả thi nhất, lựa chọn những công việc, những lĩnh vực chuyển đổi số có thể phát huy hiệu quả ngay để tập trung triển khai trước”- ông Võ Quang Lâm cho hay.

Tại Hội thảo, Phó Tổng giám đốc EVN điều phối phiên thảo luận bàn tròn với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực năng lượng. Các nội dung trao đổi như: Cơ chế, chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo, các xu hướng lớn về chuyển đổi công nghệ trong ngành năng lượng, vai trò năng lượng số trong nền kinh tế số, ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc quản lý và sử dụng năng lượng hiệu quả,…

Kết quả của EVN trong nghiên cứu, ứng dụng CMCN 4.0:

Lĩnh vực sản xuất điện:

  • Các nhà máy thủy điện mới: Ứng dụng công nghệ theo dõi trạng thái vận hành thiết bị theo điều kiện thực tế thiết bị và sửa chữa RCM.
  •  Các nhà máy nhiệt điện: Thiết bị đo lường điều khiển tiên tiến phục vụ vận hành và bảo dưỡng, sửa chữa…

Lĩnh vực truyền tải điện:

  • Mục tiêu đến năm 2020: Chuyển 60% TBA 220 kV và 100% các TBA 110 kV thành các TBA không người trực.
  •  Ứng dụng công nghệ GIS giúp tin học hóa việc quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành.
  • Ứng dụng thành công thiết bị bay không người lái trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải.

Điều độ hệ thống điện:

  • Triển khai Hệ thống SCADA/EMS, hệ thống CNTT cho thị trường điện.
  • Hệ thống AGC (Automatic Generation Control), ứng dụng tự động điều khiển các nhà máy điện để điều khiển xa các NMĐ mặt trời.

Lĩnh vực phân phối, kinh doanh – dịch vụ khách hàng:

  • Triển khai hóa đơn điện tử đồng loạt tại 63 tỉnh, thành từ năm 2013.
  • Cung cấp dịch vụ điện trực tuyến tương đương dịch vụ công cấp độ 4 từ năm 2018.
  • Năm 2019: Triển khai cung cấp các dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử.
  • Ứng dụng AI (chatbot) chăm sóc khách hàng.

Quản trị doanh nghiệp:

  • Hệ thống Quản lý nguồn lực doanh nghiệp (ERP).
  • 100% cán bộ công nhân viên sử dụng hệ thống hồ sơ điện tử thông qua phần mềm HRMS.
  • 100% các đơn vị sử dụng hệ thống E-Office để giải quyết các công việc.


  • 02/10/2019 08:17
  • M.Hạnh
  • 9747